“M …e …….ẹ……..! Mẹ ơi, chị đánh con…” -“nhưng tại em cứ phá đồ chơi của con”… Bạn luôn luôn phải chịu đựng tiếng chí choé cãi cọ của bọn trẻ. Điều này dễ khiến bạn bực mình, mệt mỏi, thậm chí cáu bẳn. Nhưng tại sao bọn trẻ lại thuờng xuyên cãi nhau như vậy?
Đằng sau các cuộc tranh cãi của con cái luôn ẩn giấu sự ghen tị, tranh giành tình cảm của bố mẹ…
Cạnh tranh sẽ khiến con trưởng thành
Bọn trẻ nhà bạn cứ cãi nhau ầm ĩ không ngừng ? Bạn hãy yên tâm, điều này hoàn toàn bình thường. Đôi lúc bọn chúng cũng cần cãi cọ. Tuy nhiên, điều gì cũng phải có giới hạn …
Tất cả các bà mẹ trên thế giới đều mong muốn con cái mình thương nhau như thể tay chân nhưng họ đều phải công nhận rằng việc tranh cãi giữa chúng là không thể tránh khỏi. Tại sao vậy? Bởi vì giữa chúng luôn có sự cạnh tranh.
Ngay từ bé, sự cạnh tranh đã luôn xảy từ những điều nhỏ nhặt. Ví dụ cả hai đều muốn đọc một quyển sách, muốn một món đồ chơi… cùng lúc. Đằng sau các cuộc tranh cãi của con cái luôn ẩn giấu sự ghen tị, tranh giành tình cảm của bố mẹ.
Khi đứa trẻ thấy rằng nó không phải là chủ thể duy nhất mà bố mẹ quan tâm, thì ít nhiều sẽ nảy sinh sự ghen tị. Và sự ghen tị này không tránh khỏi sẽ trút lên người bắt nó phải chia sẻ tình cảm, đó là anh hoặc chị, em của nó.
Tính thường xuyên và mức độ tranh cãi sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như độ tuổi và tính cách của đứa trẻ. Các chuyên gia thấy rằng sự tranh cãi đặc biệt thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Khi trẻ càng lớn thì tần suất tranh cãi của chúng càng ít đi.
Có nên can thiệp?
Bố mẹ có cần can thiệp vào tất cả các cuộc cãi cọ của con cái hay không? Về điểm này, ý kiến của chuyên gia là không, hãy để bọn trẻ tự giải quyết các vấn đề của chúng.
Lý do thứ nhất, ngay cả khi chúng cãi nhau vì tranh giành đồ chơi, sách truyện hay bất cứ điều nhỏ nhặt nào khác, bạn nên nhớ rằng tuy bạn không liên quan nhưng lại là nguyên nhân cơ bản của cuộc cãi cọ: Bọn trẻ cãi nhau vì sự chú ý của bạn, vì tình cảm của bạn. Nếu bạn can thiệp thì chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.
Thứ hai là tranh cãi cũng giúp bọn trẻ lớn lên. Giúp chúng học được cách phản đối, khẳng định, phủ định, lập luận… và rất nhiều thứ khác có ích đối với cuộc sống của chúng sau này.
Nhưng, sự can thiệp của cha mẹ là cần thiết khi sự cãi cọ đi quá giới hạn. Khi bọn trẻ chửi bậy hay giải quyết vấn đề bằng nắm đấm, bạn nên hành động. Cha mẹ cần nghiêm khắc cấm mọi hành vi bạo lực và hướng chúng giải quyết xung đột bằng phương thức khác. Lúc này, thường các bà mẹ sẽ quát lên: “Yên lặng! Có thôi đi không? Mẹ không muốn nghe thấy bất cứ tiếng cãi cọ nào nữa…”. Tuy nhiên đó là cách thức sai lầm và không hiệu quả để giải quyết tranh chấp của bọn trẻ. Vì chắc chắc là đầu tiên thì chúng sẽ nghe bạn nhưng sẽ chờ đợi cơ hội tiếp tục gây sự với nhau.
Tốt hơn hết là hãy giải quyết triệt để vấn đề. Nếu các bên “tham chiến” quá kích động, hãy đợi vài phút để chúng bình tĩnh hơn. Sau đó yêu cầu từng đứa trình bày về vấn đề gây nên mâu thuẫn. Vai trò của bố mẹ lúc này là giúp bọn trẻ tìm được sự thỏa thuận chung.
Hãy cho chúng một khoảng thời gian nhất định, nếu sau đó không giải quyết được thì bạn hãy đưa ra quyết định nhưng không ủng hộ ý kiến cúa bên nào. Ví dụ như khi chúng tranh nhau tivi thì một là để cho chúng tự dàn xếp, hai là sẽ tắt ti vi. Như vậy thì cách giải quyết của chúng sẽ luôn luôn là tự dàn xếp.