Ngày 7-4, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố có ba trường hợp chết do bệnh tay – chân – miệng (TCM). Trung bình mỗi tuần, thành phố có từ 70 đến 80 trẻ em mắc bệnh này, cao hơn gấp hai lần so với tháng 2.
Tại Bệnh viện Nhi Ðồng 2, có 32 trẻ bị TCM đang được điều trị, trong đó có khoảng 10% số ca bị bệnh nặng. Trong tháng 3, bệnh viện đã tiếp nhận 142 trường hợp mắc TCM, cao hơn 2,5 lần so với tháng 2 và ngày đông nhất bệnh viện điều trị cho 42 người bệnh. Ðến giữa tháng 3 trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 27 ca nhiễm cúm A(H1N1) trong đó có một trường hợp chết.
Theo bác sĩ Nguyễn Ðắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, đây là thời điểm bệnh TCM vào mùa. Bệnh thường tăng cao vào khoảng tháng 3 tới tháng 5 và thường xảy ra ở trẻ dưới năm tuổi, nhiều nhất ở trẻ một, hai tuổi. Ðây là bệnh do vi-rút gây ra và chưa có vắc-xin phòng ngừa nhưng người dân không nên quá hoang mang vì có thể phòng ngừa bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch cho trẻ và môi trường sống chung quanh. Khi trẻ có các biểu hiện về bệnh như: sốt nhẹ, sưng miệng, nổi bong bóng nước ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân… cần đưa tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.