Chồng chị Hà là con trưởng trong gia đình nên khi chị Hà mang thai, cả gia đình đã vô cùng phấn khởi. Một thằng cu bụ bẫm với vầng trán khôi ngô ra đời khiến người mẹ không giấu nổi niềm sung sướng trong nước mắt. Chị Hà vui hơn khi càng lớn con trai chị càng xinh xắn, đáng yêu. Trong mắt chị, những đứa trẻ khác không bằng một góc “thiên thần nhỏ bé” của mình… Đi đâu chị cũng cho con đi cùng để còn… khoe.
Bệnh đến không báo trước
Tuổi rưỡi, rồi hai tuổi… cậu con trai khôi ngô vẫn chưa nói được tiếng nào. Trong khi những đứa trẻ đồng trang lứa đã bập bẹ “bố’, “mẹ”, “ăn cơm”, “đi chơi”… thì cu Bi nhà chị vẫn chỉ “ồ”, “ề”, “à”, thi thoảng lại bất thình lình rít lên những tiếng chói tai. Thấy hàng xóm bắt đầu xì xào, chị Hà ra sức dạy con học nói. Nhiều tối, cả nhà ầm ĩ như cãi nhau vì chị dạy con.
Trái ngược với thái độ sốt xình xịch của mẹ, cu Bi thờ ơ với mọi chuyện, không hề biết khóc lóc đòi hỏi, không thích chơi đồ chơi, cho đi chơi thì cứ ngửa mặt lên trời, chẳng màng gì đến người xung quanh. Giờ đến 2 tuổi rưỡi mà thằng bé vẫn rất vụng về, cầm nắm cái gì cứ nhặt lên lại rơi xuống…
Lúc đầu, chị Hà chỉ nghĩ rằng một thời gian nữa con chị cũng sẽ nhanh nhạy như những đứa trẻ khác vì khi mang thai chị hoàn toàn khỏe mạnh, gia đình cũng không ai bị bệnh gì về tâm lý, tâm thần cả. Dần dần, chị cũng hơi sốt ruột, đặc biệt là khi nhìn lũ trẻ hàng xóm cũng bằng tuổi con chị chơi đùa trong ngõ. Lúc đó, chị chỉ biết ngán ngẩm thở dài.
Có đôi lúc nghi ngờ cu Bi có một số dấu hiệu của bệnh tự kỷ nhưng với niềm tự hào về con trai, chị không muốn tin đó là sự thật. Ước mong con mình sinh ra khỏe mạnh, thông minh, chị đặt trọn niềm tin và kỳ vọng của mình vào cu Bi. Để trấn an bản thân và không thể “mất mặt” với họ hàng, làng xóm, chị nhất định không đưa con đi khám.
Khi nghe người hàng xóm khuyên chị nên cho con đến bệnh viện để làm xét nghiệm tự kỷ, chị Hà phản ứng dữ dội: “Phủi phui cái mồm, tôi có con tôi biết tự lo cho nó, không khiến mấy người phải trù ẻo hay dạy này dạy nọ…”. Thậm chí, khi mọi người trong gia đình góp ý về việc này, chị cũng gạt phắt. Thế là, cu Bi con chị lúc nào cũng “ngây ngây thơ thơ” cả lúc ở lớp lẫn khi về nhà…
Càng chữa trị sớm, càng khả quan
Giảng viên Đỗ Nghiêm Phương – Khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm Hà Nội, một chuyên gia nghiên cứu về bệnh tự kỷ cho biết: Do phương pháp và trình độ chuyên môn về chẩn đoán trẻ tự kỷ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nên có rất nhiều trường hợp nhầm lẫn trẻ bị tự kỷ với các hội chứng hay các loại hình khuyết tật khác như: chậm phát triển, bại não, tăng động giảm chú ý…
Tuy nhiên, nếu được áp dụng các phương pháp giáo dục, trị liệu, can thiệp sớm và phù hợp thì trẻ tự kỷ vẫn có thể phát huy được hết các tiềm năng của mình và hạn chế được ở mức thấp nhất các khó khăn gặp phải trong quá trình phát triển.
Với các trường hợp như con của chị Hà, cha mẹ cần quan tâm đến mức độ phát triển tâm lý của con thông qua từng giai đoạn, nếu thấy những bất thường thì nên sớm đưa con đi khám tại các cơ sở y tế tin cậy. Trẻ từ 4 – 9 tháng tuổi đã có thể theo dõi, dự đoán và sớm có những can thiệp để tránh, giảm thiểu mức độ trầm trọng của bệnh.
Theo các chuyên gia, trẻ tự kỷ gặp khó khăn ở rất nhiều vấn đề.
– Thứ nhất là tương tác xã hội – trẻ tự kỷ thường tách biệt, xa lánh và không quan tâm đến người khác, trẻ ứng xử vụng về hoặc không biết cách ứng xử trong các tình huống xã hội.
– Thứ hai, trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, khó khăn trong việc truyền đạt và xử lý thông tin, biểu hiện là ngôn ngữ kém phát triển hoặc không có ngôn ngữ (kể cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ).
– Thứ ba là trẻ có các hành vi bất thường như các hành vi lặp đi lặp lại hoặc có hành vi tự gây tổn thương cho bản thân và cho người khác…
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, hầu hết các trẻ tự kỷ đều có một số bất thường trong não, song ở khu vực nào và nguyên nhân là vì sao thì chưa ai khẳng định được mà chỉ mới có một số phỏng đoán được đưa ra. Chính vì vậy, không có một phương thức ngăn ngừa và phòng tránh nào cụ thể, song có một số khuyến cáo về việc người mẹ mang thai phòng tránh các độc tố từ môi trường như nước, không khí các chất độc trong thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng…