Cuộc sống hiện đại đầy áp lực khiến người phụ nữ ngày càng bận rộn hơn, việc sinh con đẻ cái cũng vì thế phụ thuộc rất nhiều vào công việc, cuộc sống và độ tuổi kết hôn của người mẹ. Ngày càng có nhiều người phụ nữ mang bầu ở cái tuổi đáng ra con đã đi học từ rất lâu rồi và kèm với đó là những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe mẹ và bé.
Mang thai ở tuổi ngoài 35: nên hay không?
Ai cũng hiểu độ tuổi “an toàn” cho việc sinh sản vẫn là từ 20-35, khả năng sinh sản của người phụ nữ tỷ lệ nghịch với tuổi tác, tức là tuổi càng cao thì khả năng sinh sản càng giảm. Phụ nữ sau tuổi 35 sẽ gặp nhiều vấn đề về thụ thai so với những người trẻ hơn họ mười năm là một điều dễ hiểu. Lên đến 30% phụ nữ ở độ tuổi 35 tuổi mất nhiều thời gian hơn một năm để có thể mang thai, trong khi đó chỉ 5% phụ nữ ở độ tuổi 25 lâm vào hoàn cảnh “phải chờ lâu” ấy.
Các bác sĩ cũng xác nhận phụ nữ ở độ tuổi 35 – 40 sẽ có nhiều khả năng bị biến chứng như sẩy thai, tiền sản giật, thai ngoài tử cung, thai chết lưu… và ở tuổi trên 40 thì nguy cơ đó còn tiếp tục tăng cao hơn.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phụ nữ sau 35 tuổi không nên có con, bởi vì nhu cầu làm mẹ là một nhu cầu bản năng và họ cần được chăm sóc tốt hơn, cần có được thông tin cụ thể về các bất trắc của thai kỳ để kịp thời giải quyết rủi ro.
Những rủi ro khi mang thai muộn
– Cho dù bạn có một “lý lịch sức khoẻ” cực kỳ tốt, bạn vẫn có nguy cơ bị huyết áp cao và bệnh tiểu đường khi mang thai. Hai nguy cơ này lại dễ dẫn đến nhiều tai biến cho thai nhi như tiền sản giật, đẻ non, dị tật bẩm sinh… Độ tuổi càng cao thì khả năng giãn tĩnh mạch và tích trữ nước trong quá trình mang thai càng lớn. Từ đó nguy cơ trẻ bị sinh non từ bà mẹ 35+ sẽ tăng từ 6% -16%.
– Nguy cơ sẩy thai ở độ tuổi này cũng là một sự khác biệt lớn, nguyên nhân là vì xuất hiện khiếm khuyết ở thành tử cung (thành tử cung không đủ độ dày); nhau thai không bám được vào thành tử cung; khả năng vận chuyển máu vào trong thai nhi không được tốt… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng tồn tại và phát triển của thai nhi.
– Các noãn bào già đi cũng đồng nghĩa với nguy cơ trẻ mắc hội chứng Down tăng, đây cũng là một vấn đề nghiêm trọng khác cần hết sức chú ý khi mang thai ở độ tuổi ngoài 35. Nếu tỷ lệ thai nhi bị Hội chứng Down ở các cô gái mang thai độ tuổi 20 là 1/10.000 thì tới độ tuổi 40, con số này chỉ còn 1/100.
– Đa phần các bà mẹ 35+ dễ phải sử dụng phương pháp chọc ối trong tuần thứ 14 và 18 để kiểm tra các tế bào nhiễm sắc thể dị hình. Các tế bào này có thể gây ra các bệnh về gen như Down và bệnh nứt đốt sống cổ, dị dạng ống thần kinh… Điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ sẩy thai ở 3 tháng đầu thai kỳ và sinh mổ cao gấp đôi so với phụ nữ mang thai dưới 35.
Nếu muốn mang thai bạn phải làm gì?
Tuy các số liệu thống kê cho thấy một sự thật không mấy vui vẻ về chuyện mang thai ở tuổi này, nhưng nếu có điều kiện về sức khoẻ, và có được sự chăm sóc tốt, bạn vẫn hoàn toàn có thể mang thai một cách khoẻ mạnh ở độ tuổi này. Hãy chú ý ngay từ khi bắt đầu có ý định mang thai nhé.
– Đầu tiên, để xác suất đậu thai được cao hơn, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như axit folic và canxi từ ba tháng trước khi mang thai. Việc bổ sung này cũng cần được kiểm soát chặt chẽ bên cạnh việc ăn uống, để tránh nguy cơ tiểu đường.
– Cân nặng cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng tới việc đậu thai, có tới 12% phụ nữ không thể đậu thai vì lý do quá gầy hoặc quá béo. Có một cách rất đơn giản để kiểm tra xem cân nặng của bạn có hợp lý không, đó là dùng chỉ số BMI, được tính bằng công thức: cân nặng / (chiều cao x chiều cao) (trong đó cân nặng tính bằng kg và chiều cao tính bằng m). Nếu chỉ số này thấp hơn 18 hoặc cao hơn 25, buồng trứng của bạn có thể gặp rắc rối với việc rụng trứng.
– Thuốc lá, stress, thậm chí cả chất bôi trơn khi quan hệ cũng ảnh hưởng tới việc đậu thai. Cụ thể thuốc lá và stress có thể gây mãn kinh sớm và ngăn chặn hoặc chậm lại quá trình rụng trứng, chất bôi trơn khi quan hệ gây cản trở đường bơi của tinh trùng hoặc thậm chí có thể giết chết chúng.
– Khi đã đậu thai, thường xuyên kiểm tra tiểu đường và huyết áp để đảm bảo thai nhi không bị ảnh hưởng. Bạn nên siêu âm dị tật thai nhi càng sớm càng tốt để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nói chung, khi đã đậu thai và có quyết tâm với việc sinh con, bạn sẽ phải tuân thủ một lịch khám bệnh, cũng như ăn uống và tập luyện nghiêm chỉnh để có được sức khoẻ tốt nhất khi mang thai.
Việc mang thai vốn đã không phải là một việc dễ dàng, với phụ nữ ở tuổi 35+, việc này còn khó gấp nhiều lần. Nhưng có một lợi thế bạn nên lấy làm tự hào khi mang thai ở độ tuổi này, đó là bản lĩnh về tinh thần, về độ trưởng thành và kinh nghiệm sống, chắc chắn những lợi thế này sẽ giúp cho phụ nữ tuổi này vượt qua những khó khăn trong việc mang thai dễ dàng hơn các cô gái trẻ.