Rạn da là những vết rạn nhỏ xuất hiện ở những vùng da mỏng và yếu như: ngực, bụng, mông, đùi. Chúng xảy ra khi da giãn không đủ để thích nghi với sự thay đổi của cơ thể, thường gặp ở tuổi dậy thì và phụ nữ mang thai.
Vết da bị rạn được hình thành qua hai thời kỳ. Biểu hiện lúc đầu là những vệt đỏ, đỏ tím, có hoặc không kèm theo ngứa, hoặc dấm dứt nhẹ tại chỗ. Thời kỳ thứ 2, da chuyển sang màu trắng có ánh như xà cừ và hình thành các đường rạch lõm (là lúc tạo vết rạn), sự tương phản khá rõ giữa làn da bình thường và vết rạn.
Nguyên nhân gây rạn da ở phụ nữ mang thai:
– Do sự tăng cân nhanh. Phụ nữ mang thai ở tháng thứ 4 có thể đã xuất hiện rạn da, nguyên nhân là do da bụng căng quá mức làm đứt các sợi đàn hồi của da. Da giãn ra không đủ để thích nghi với sự thay đổi của cơ thể, nhất là thay đổi về trọng lượng.
– Hoóc môn cũng có vai trò trong việc gây ra vết rạn. Những thay đổi về hoóc môn trong thời kỳ thai nghén đã làm hạn chế tính đàn hồi của da và gây nên rạn da mạnh.
– Rạn da có yếu tố di truyền, nếu mẹ bạn bị chứng rạn da khi mang thai thì nguy cơ bị rạn da ở bạn là khá cao.
– Nếu bạn đang mang đa thai thì nguy cơ bị rạn da ở bạn sẽ cao hơn nhiều, vì da bụng của bạn sẽ không kịp giãn ra so với tốc độ phát triển của thai.
– Sắc tố da của bạn cũng góp phần không nhỏ trong việc hình thành, cải thiện sự rạn da.
Cách hạn chế chứng rạn da:
Khi đã bị rạn da thì việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, hãy tìm cách hạn chế chúng khi chưa quá muộn.
– Hãy chú ý đến quá trình tăng cân của bạn. Cố gắng để cơ thể không lên cân quá nhiều và quá nhanh. Ăn nhiều rau quả thay vì những thực phẩm có chứa nhiều chất béo. Những thực phẩm giàu vitamin C, E, kẽm, như trái cây, rau có màu xanh đậm, ngũ cốc… giúp tăng cường độ đàn hồi của da.
– Uống nhiều nước không chỉ giúp bạn và thai nhi tránh nguy cơ bị mất nước, mà còn giúp da duy trì độ mềm mại và không bị rạn. Nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
– Muốn giảm bớt những vết rạn da, thai phụ nên tắm mỗi ngày bằng nước ấm. Nước ấm sẽ giúp da duy trì độ mềm mại và tính đàn hồi của da. Khi tắm có thể sử dụng một miếng vải mềm chà nhẹ lên các khu vực da dễ bị rạn để gia tăng quá trình tuần hoàn máu đến da và giữ cho da được khỏe mạnh.
– Không mặc quần áo quá chật hoặc quần áo làm từ các chất liệu có pha nhiều nilon gây ức chế quá trình hô hấp của các tế bào da, dễ gây hiện tượng rạn da.
– Với phụ nữ có thai khi đi khám thai nên hỏi bác sĩ để có được lời khuyên thích hợp cho việc dùng thuốc trị chống rạn da mà không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.
– Trong dân gian có kinh nghiệm dùng dầu vừng, dầu đậu tương, dầu hướng dương xoa chống rạn da. Mỗi ngày 2 lần (sáng và tối), đổ một ít dầu vào bàn tay rồi xoa xát đều các vùng da bị rạn. Hoặc cũng có thể dùng một trong các thứ sau: lòng đỏ trứng gà, sữa bò tươi, cà chua, cà rốt giã nhuyễn mà xoa, để một thời gian rồi rửa lại cho sạch.
– Bạn cũng có thể sử dụng kem dưỡng da có chứa vitamin E vì vitamin E có tác dụng tăng tính đàn hồi cho da. Massage nhẹ nhàng với kem dưỡng từ tháng thứ 4 và kéo dài 1 tháng sau khi sinh để giảm bớt rạn da và tăng hiệu quả săn chắc da.
– Khi đã bị rạn da thì bạn có thể đến bệnh viện da liễu để làm mờ vết rạn bằng phương pháp chiếu laser. Tuy nhiên, phương pháp này cũng khá tốn kém nên cách tốt nhất vẫn là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.