Từ ngày 1/10/2009, trẻ dưới 6 tuổi đã thực hiện KCB bằng BHYT thay vì KCB theo hình thức thực thanh thực chi. Song thực tế đã nảy sinh không ít rắc rối từ chiếc thẻ BHYT cho trẻ.
Đi ngược mong đợi của người dân
Một nữ cán bộ Trung tâm Đào tạo, Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhà ở sát cạnh Bệnh viện Nhi Trung ương từng phản ánh, đêm 10/1/2010, chị và gia đình đưa con gái 6 tuổi của chị vào Bệnh viện này cấp cứu do cháu bị sốt cao lên tới 40,5 độ và nói mê sảng. Khi gia đình đưa thẻ BHYT của cháu ra, một cán bộ thu tiền của Bệnh viện không chấp nhận và yêu cầu thu 100% tiền khám, tiền xét nghiệm. Trước thắc mắc của gia đình chị, một vị bác sĩ và điều dưỡng giải thích: “Chỉ những trường hợp cấp cứu, bệnh thật nặng thì mới được chi trả BH và không cần giấy chuyển viện”.
Câu chuyện nhỏ khiến người dân không khỏi lo lắng, tại sao có thẻ BHYT, có Luật BHYT mới mà các bác sĩ vẫn đòi giấy chuyển viện thì bệnh viện mới chấp nhận KCB theo BHYT? Trong khi Luật BHYT quy định, bệnh nhân có thẻ BHYT kể cả vượt tuyến vẫn được BHYT chi trả 30% viện phí.
Nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh có lẽ còn nhân lên gấp bội nếu con mình không may phải nằm điều trị dài ngày tại bệnh viện, mắc các bệnh mãn tính, chi phí điều trị cao. Nhiều trẻ bị mắc các bệnh ung thư máu, tim, sử dụng kỹ thuật cao… đã phải nộp những khoản tiền rất lớn.
Nếu như trước ngày 1/1/2010, BHYT cho bệnh nhi là thực thanh thực chi, các bệnh viện cứ thế mà điều trị cho đúng phác đồ, quỹ KCB cho trẻ em sẽ chi trả. Nhưng khi chuyển sang khám bằng thẻ BHYT, các bác sĩ phải cân nhắc từng tý một, xem phương pháp điều trị, loại thuốc đó có nằm trong danh mục BHYT chi trả. Nếu ngoài danh mục, bác sĩ phải bàn bạc với phụ huynh để thông báo cùng chi trả.
Có điều, “khung giá chi trả của BHYT hiện nay xa với thực chi, các loại danh mục dịch vụ, danh mục kỹ thuật cao, danh mục thuốc chưa sát thực tế, chưa hợp lý…”, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Khu Khánh Dung thẳng thắn. Đó chính là một trong những lý do khiến bệnh nhi đang chịu nhiều thiệt thòi khi KCB bằng thẻ BHYT.
Trẻ mồ côi cũng phải trả viện phí
Cùng người nghèo, trẻ em đáng lẽ là đối tượng phải được BHYT “bảo hộ” nhiều nhất, song các chính sách mới của Luật BHYT lại đang đẩy phần thiệt thòi về phía trẻ. Điều này thể hiện rõ ở đối tượng trẻ em trên 6 tuổi bị bỏ rơi, mồ côi, sống trong các trung tâm bảo trợ xã hội cũng thuộc diện phải cùng chi trả 5% viện phí.
Ngay khi Luật chưa chính thức đi vào thực hiện, Sở Y tế và BH xã hội các địa phương đã kêu trời về việc những trẻ em nói trên lấy đâu ra tiền để cùng chi trả mỗi khi đi KCB. Một giải pháp được đưa ra ngân sách nhà nước đảm nhận phần cùng chi trả cho trẻ em bị bỏ rơi đang sống trong các trung tâm bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, ngân sách trích qua trung tâm bảo trợ xã hội hay tách bạch trả cho bệnh viện khi có quyết toán chi phí KCB của từng trường hợp chỉ khiến phần nguồn thu viện phí thêm rắc rối.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An – Bác sĩ Lê Thanh Liêm còn nêu lên một thực tế: Tại các bệnh viện nhi đồng của TP. HCM, 90% bệnh nhi đến phòng khám ở các tuyến trên là không cần thiết nhưng thay vì giới thiệu những các trường hợp này về tuyến dưới thì tuyến trên vẫn tiếp tục nhận bệnh, hẹn tái khám. Với dẫn chứng trên, ông Liêm phân tích, do hoàn cảnh lịch sử, suốt một thời gian dài, tuyến y tế cơ sở không được đầu tư nên dần dần mất niềm tin ở người dân. Khi có nhu cầu KCB, dù nặng hay nhẹ, tất thảy người dân đều đổ lên tuyến trên mặc dù nhiều đơn vị y tế cơ sở đã được đầu tư rất tốt cả về con người và trang thiết bị.
Hiện nay, hầu hết các đơn vị y tế tuyến cơ sở đã dư sức chữa được các bệnh thông thường, thậm chí cả những phẫu thuật đặc biệt song bệnh nhân cứ đổ lên tuyến trên. Việc điều trị đa viện, lạm dụng chuyển viện như vậy dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả. Cần phải có biện pháp ngay để quản lý và xiết chặt tình trạng lạm dụng chuyển viện này, góp phần bảo vệ quyền lợi của người bệnh, trong đó có trẻ em là kiến nghị của ông Liêm.
Bất lợi cho trẻ sơ sinh
Đại diện Bộ Y tế cho biết, với các trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ BHYT thì tạm thời vẫn tiếp tục trình thẻ KCB miễn phí hoặc giấy khai sinh. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Nguyễn Văn Châu đã chỉ ra một bất cập, Luật BHYT quy định chỉ thanh toán cho đối tượng có thẻ BHYT mà chưa nêu rõ trường hợp với trẻ sơ sinh, nhất là trẻ mới sinh ra được vài ngày. “Trẻ sơ sinh, thậm chí giấy khai sinh còn chưa kịp có thì làm sao có thẻ BHYT để được thanh toán”, ông Châu băn khoăn.
Theo TS. Lê Hoài Chương – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm Bệnh viện đón khoảng 20 nghìn trẻ ra đời. Trong đó, 20% số trẻ sơ sinh phải điều trị tích cực, số trẻ còn lại cũng cần chăm sóc y tế như thay băng rốn, tắm rửa. Trước kia, trẻ em dưới 6 tuổi được KCB miễn phí, còn theo Luật BHYT thì BHYT chi trả kinh phí điều trị cho trẻ em dưới 6 tuổi. Để thực hiện điều này, có một số vấn đề cần được quy định rõ như thủ tục quyết toán, xây dựng danh mục thuốc, vật tư y tế do BHYT chi trả cho trẻ em dưới 6 tuổi. Luật cũng quy định BHYT chi trả cho một số bệnh sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhưng cụ thể là những bệnh nào lại phải chờ thông tư hướng dẫn.