Các bác sĩ đã cảnh báo việc mang thai sau 35 tuổi sẽ có những nguy cơ cao đối với mẹ và bé, đồng thời những đứa trẻ được sinh bởi những bà mẹ trên 35 tuổi sẽ có nguy cơ kém phát triển trí tuệ cao hơn so với các bà mẹ trẻ. Tuy nhiên xã hội phát triển với ngày càng nhiều áp lực, công việc cũng như sự phức tạp trong cuộc sống khiến cho nhiều phụ nữ phải trì hoãn việc lập gia đình và sinh con.
38 tuổi, chị P.N.S., ngụ thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, mang thai lần hai. Lần khám đầu tiên của thai kỳ, vợ chồng chị S. rất lo lắng khi bác sĩ cảnh báo ở tuổi chị còn mang thai, con chị sẽ có nguy cơ rối loạn nhiễm sắc thể. Sáng 18-4, ngồi chờ khám thai tại khu khám bệnh Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM chị S. đã tâm sự như vậy.
Có người yêu từ năm 22 tuổi nhưng mãi đến mười năm sau chị S. và người yêu mới tổ chức hôn lễ. Lý do là vì hai người cùng muốn ổn định công việc, dành dụm được đủ tiền để mua đất, xây nhà. Chị S. kể chị ở nhà thuê nhiều năm nên hiểu rõ cảnh khốn khổ của những người đi thuê nhà. Vì vậy chị nhất định không để con ra đời phải tiếp tục sống trong cảnh đó. 33 tuổi chị S. mới sinh đứa con đầu tiên. Khi đứa lớn được 5 tuổi chị mang thai đứa con thứ hai. Chị S. bảo chị không biết chuyện sinh con trễ sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Quá say mê công việc
TS.BS Lê Thị Thu Hà, phó khoa sản bệnh Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, cho biết khoa khám bệnh Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận nhiều phụ nữ có thai khi đã trên 35 tuổi, độ tuổi được khuyến cáo không tốt để sinh con.
Có người đến khám thai lần đầu khi đã 41 tuổi, dù lập gia đình từ mười năm trước nhưng cả hai vợ chồng đều bận rộn với việc đi học sau đại học ở nước ngoài. Sau khi về nước lại thường xuyên đi công tác ở nước ngoài. Công việc cứ cuốn đi dự định sinh con của vợ chồng họ.
Bác sĩ Thu Hà kể từng điều trị cho một nữ chủ tịch xã ở tỉnh Bình Dương. Lập gia đình trễ chị vẫn mải miết với công việc cho đến năm 39 tuổi mới có kế hoạch sinh con. Khi thai được tám tuần, chị phát hiện mắc bệnh cao huyết áp mãn tính.
Vừa khám thai định kỳ, các bác sĩ vừa điều trị cao huyết áp cho thai phụ. Khi thai được 35 tuần tuổi, các bác sĩ phải mổ lấy thai cho chị do bị tiền sản giật nặng… Đứa trẻ buộc phải ra đời sớm.
Gần đây, một phụ nữ 34 tuổi, giỏi giang, xinh đẹp đến khoa khám bệnh Bệnh viện Từ Dũ để khám thai, sau đó chị đề nghị bỏ thai khi thai đã được gần hai tháng. Bác sĩ sản khoa hỏi thăm thì biết lý do là chị mới được nhận một suất học bổng đi học sáu tháng ở nước ngoài mà nếu mang thai thì không thể đi học được. Chị tính học xong khóa học này sẽ về nước, khi đó mới mang thai và sinh con.
Bác sĩ khuyên chị nên giữ đứa con vì phụ nữ tuổi càng cao tỉ lệ đậu thai càng thấp. Chưa kể quá trình bỏ thai cũng có thể gặp nhiều biến chứng, phụ nữ trên 35 tuổi sinh con, đứa trẻ ra đời sẽ có nguy cơ rối loạn nhiễm sắc thể… Sau khi nghe những lời phân tích của bác sĩ, cuối cùng chị quyết định giữ lại đứa con của mình.
Không tốt cho cả mẹ và con
Bác sĩ Thu Hà cho biết phụ nữ từ 35 tuổi trở lên có một số nguy cơ như khó có thai do trứng rụng không đều. Phụ nữ càng lớn tuổi càng có nguy cơ mắc nhiều bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, u xơ tử cung… nên khi sinh con cũng đe dọa đến tính mạng của chính mình và dễ có nguy cơ bị sẩy thai, sinh non…
Không chỉ thế đứa trẻ có nguy cơ kém phát triển trí tuệ. Lý do là tuổi tác làm cho các nhiễm sắc thể ở trứng không phân chia tốt, chúng dễ kết dính với nhau và khi tạo thành hợp tử (sau khi thụ tinh) có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nhiễm sắc thể ở thai nhi như hội chứng Down và nhiều bệnh khác.
Bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh, trưởng khoa khám A Bệnh viện Hùng Vương, cho biết tỉ lệ của người mẹ 20-25 tuổi có bất thường về nhiễm sắc thể chiếm 1/1.000, nhưng ở người mẹ 35 tuổi tỉ lệ này là 1/400 và 40 tuổi là 1/100.
Theo các bác sĩ sản khoa, lứa tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ là 20-30 tuổi, những phụ nữ có học thức, có vị trí trong xã hội, ở thành thị đang có xu hướng lập gia đình và sinh con trễ. Cuộc sống hiện đại đã giúp nhiều phụ nữ tham gia công tác xã hội, giữ nhiệm vụ quan trọng trong xã hội ngày càng nhiều. Không ít phụ nữ vì áp lực công việc, tận dụng cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, mải lo kiếm tiền… đã “nhịn” sinh con, quên thiên chức làm mẹ của mình.