Hỏi: Xin chào bác sỹ. Tôi đang mang thai 8 tuần. Tôi ăn uống rất tốt, song lại hay buồn nôn và nôn. Có thuốc nào giúp tôi không, thưa bác sĩ? Xin cảm ơn bác sỹ.
Trả lời: Biểu hiện buồn nôn và nôn rất thường gặp trong thời kỳ mang thai, nhất là khi mang thai 3 tháng đầu, với khoảng 30 – 70% sản phụ bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng này. Trong 90% các trường hợp, buồn nôn và nôn sẽ cải thiện sau tuần thứ 12 – 14 và rất hiếm khi kéo dài đến tuần thứ 20. Nếu không được kiểm soát tốt, các biểu hiện này có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường cho sản phụ như mất nước, rối loạn điện giải, sụt cân, mệt mỏi, giảm sút thể lực, biến dạng thực quản, gây cảm giác lo lắng, sợ ăn uống, từ đó có những tác động tiêu cực đối với thai nhi.
Các nhóm thuốc chống nôn như
- Thuốc kháng histamin H1 (dyphenhydramine, hydroxyzin),
- Nhóm phenothiazine (prochloperazine, chlopromazine, haloperidol),
- Nhóm benzamide (metoclopropamide, cisapride…),
- Nhóm kháng serotonin (ondansetron, granisetron…),
- Vitamin B6 và glucocorticoid (prednisolon, methylprednisolon)
Đều được chứng minh là có tác dụng giảm buồn nôn và nôn do thai nghén.
Hiện không có nhiều nghiên cứu về tính an toàn của các thuốc chống nôn kể trên đối với thai nghén, tuy nhiên những nghiên cứu đã được tiến hành đều không cho thấy nguy cơ gây dị dạng thai của các thuốc này. Thuốc chống nôn được sử dụng phổ biến và an toàn nhất ở phụ nữ có thai trong nhiều năm qua là các viên phối hợp giữa một loại kháng histamin và vitamin B6.
Gừng cũng là một liệu pháp chống nôn có hiệu quả ở phụ nữ có thai, tuy nhiên tính an toàn của nó đối với thai nghén khi dùng liều cao còn chưa được kiểm chứng.
Day bấm các huyệt nội quan hoặc hợp cốc có thể giảm buồn nôn ở khoảng 50% các trường hợp và đây là một biện pháp điều trị khá an toàn.
Những sản phụ bị buồn nôn và nôn nên được khuyên tránh dùng các thức uống có cồn, hạn chế các thức uống có chứa caffein, tốt nhất là nên uống nước trắng. Nếu buồn nôn và nôn diễn ra kéo dài, sản phụ nên ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.