Môi trường sống tác động rất nhiều lên việc hình thành bệnh tim bẩm sinh. Bệnh có thể là hậu quả của các yếu tố môi trường độc hại ảnh hưởng lên người mẹ trong quá trình mang thai, như: tia phóng xạ, hoá chất, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, bệnh chuyển hóa… Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh còn có thể bị tác động bởi yếu tố gia đình, di truyền, bất thường nhiễm sắc thể.
Bệnh tim bẩm sinh được hiểu là các dị tật của buồng tim, van tim, vách tim và các mạch máu lớn, xảy ra từ trong bào thai. Tần suất bệnh là 8/1.000 trẻ ra đời còn sống. Bệnh chia thành hai nhóm: không tím (trẻ không bị tím da niêm) và có tím (trẻ bị tím da niêm). Các bệnh tim bẩm sinh không tím thường gặp nhất là thông liên thất (30,5%), thông liên nhĩ (9,8%), còn ống động mạch (9,7%)… Bệnh tim bẩm sinh có tím thường gặp nhất là tứ chứng Fallot (5,8%)… Một số dị tật hay đi kèm bệnh này là hội chứng Down, sứt môi – chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay – ngón chân, tật đầu to, đầu nhỏ…
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh
Nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng khác lạ sau đây, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để biết đó là do bệnh lý tim mạch hay do nguyên nhân nào khác: trẻ hay ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hít vào), thường bị viêm phổi; trẻ có làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi. Trẻ bị tím môi, đầu ngón tay, ngón chân, tăng lên khi khóc, khi rặn, khi bú…; trẻ bú hoặc ăn kém, chậm lên cân, thậm chí không tăng cân hay sụt cân. Trẻ chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường (chậm mọc răng, chậm biết lật, bò…) Trong một số trường hợp, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không có biểu hiện gì, do dị tật không nặng, chỉ tình cờ phát hiện khi khám sức khoẻ hoặc khám vì một lý do khác.
Khi biết con mình mắc bệnh tim bẩm sinh, cha mẹ cần hỏi bác sĩ chuyên khoa tim mạch về tất cả những vấn đề quan tâm để có hướng xử trí đúng cách, như: đặc điểm tổn thương, diễn tiến bệnh, cách thức điều trị; nếu có phẫu thuật thì thời điểm nào là tốt nhất; cách chăm sóc trẻ tại nhà…
Cách điều trị tuỳ mức độ dị tật
Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nếu phát hiện sớm, điều trị đúng cách, có thể giúp trẻ phát triển như những trẻ cùng trang lứa, hoà nhập tốt vào xã hội. Có khoảng 1/100 trẻ sinh ra mắc dị tật tim bẩm sinh. May mắn là khoảng 1/3 số dị tật nhẹ, không cần điều trị. Có một số dị tật vách tim xuất hiện khi trẻ sinh ra nhưng sẽ mất đi sau đó, như là thông liên nhĩ, thông liên thất kích thước nhỏ có khuynh hướng dễ đóng lại và thường đóng lại trong hai năm đầu của trẻ. Với những trường hợp trên, cha mẹ cần cho trẻ tái khám theo đúng lịch hẹn để được theo dõi tổn thương, can thiệp kịp thời khi cần thiết.
Bệnh tim bẩm sinh nặng thường được chẩn đoán ngay khi trẻ sinh ra. Với trẻ dị tật tim nhẹ hơn, triệu chứng dần xuất hiện khi trẻ lớn lên. Bệnh diễn tiến có thể khiến trẻ gặp các triệu chứng như hay mệt, ngất, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, viêm phổi tái đi tái lại, suy tim, tử vong… Với các dị tật này, điều trị thuốc chỉ làm giảm triệu chứng chứ không sửa chữa được tổn thương. Hiện nay, ngành phẫu thuật tim rất phát triển, phần lớn các bệnh tim bẩm sinh được điều trị khỏi hẳn nhờ phẫu thuật. Một số bệnh có tổn thương phức tạp, không thể sửa chữa hoàn toàn, cũng có thể điều trị phẫu thuật nhằm cải thiện triệu chứng và nâng chất lượng cuộc sống.
Phòng ngừa từ khi mang thai
Muốn ngừa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ, người mẹ cần quan tâm đến những vấn đề sức khoẻ trước và trong khi mang thai: cải thiện môi trường đang sống, tránh để ô nhiễm; tránh các tác nhân vật lý, hoá học, chất độc, các loại thuốc an thần, nội tiết tố, rượu, thuốc lá…; chủng ngừa hoặc tránh tiếp xúc với các nguồn bệnh do siêu vi gây ra như Rubella, quai bị, Herpes, Cytomegalovirus, Coxsaskie B…; nếu người mẹ có các bệnh lý chuyển hoá như tiểu đường, lupus đỏ lan toả… thì cần điều trị sớm.
Trẻ cần được chăm sóc chu đáo
Mặc dù nhiều trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể sinh hoạt, học tập không khác trẻ bình thường, nhưng nhìn chung, tất cả trẻ mắc bệnh này cần được chăm sóc kỹ lưỡng và đúng cách để có sức khoẻ tốt. Cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc phối hợp với ngành y điều trị trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Vì vậy, cần lưu ý:
Chăm sóc trẻ chu đáo, giữ trẻ ấm, vệ sinh, cho ăn uống điều độ, đủ chất. Không cho trẻ vận động mạnh hay chơi giỡn quá nhiều, tránh để trẻ gắng sức và làm những việc nặng nhọc. Trẻ cần giữ vệ sinh răng miệng tốt để tránh nhiễm trùng. Cần uống kháng sinh khi làm thủ thuật hoặc điều trị răng để phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Cho trẻ tái khám đúng hẹn và tuân theo điều trị của bác sĩ, ngay cả khi trẻ đã được phẫu thuật, bởi sau phẫu thuật, một số bệnh tim bẩm sinh vẫn cần theo dõi và khi lớn lên, trẻ có thể gặp một số vấn đề sức khoẻ.
me be tit đã bình luận
chao cac me.em co con bi tim bam sinh,hien tai bs dang khuyen la phai phau thuat.cac me cho em tham khao qua 1 chut la neu phai phau thuat thi minh nen phau thuat o benh vien nao thi tot cho be ? va gia dinh em co chung nhan ho ngheo cua xa va be co bao hiem cua tre em duoi 5t thi minh se duoc giam bao nhieu? co me nao biet thi tra loi giup em voi
Nguyễn kim liên đã bình luận
Mình cũng có con bị bệnh tim và đã mổ 02 lần , bạn nên đưa bé vào Viện tim TP Hồ chí Minh để khám. còn phần kinh phí vì bạn có xác nhận hộ nghèo, bạn nên tới Trung tâm bảo trợ trẻ em ở tỉnh mình đang ở, họ sẽ hướng dẫn bạn làm hồ sơ sẽ được mổ miễn phí, nên nhớ là phải đưa con đi khám tại viện tim trước, tại đó bác sĩ sẽ khám và hội chẩn và lên lịch mổ. khi hội chẩn nhớ xin giấy báo chi phí mổ để về nộp tại TT bảo trợ trẻ em ở tỉnh mình ở . Thông thường xin tài trợ sẽ rất lâu nếu mình vay mượn được tiền thì khi mổ nộp tiền vào sau ra viện thanh toán được 80% vì bé dưới 5 tuổi .