Từ 1/6/2011, theo quy định của Bộ GDĐT, đồ chơi trẻ em được trang bị trong nhà trường phải có nhãn hàng hóa bắt buộc, phải đảm bảo tính an toàn, giúp trẻ phát triển khả năng vận động, ngôn ngữ, cảm xúc, thẩm mỹ và quan hệ xã hội.
Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 16/2011/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) mới ban hành, quy định về trang bị, quản lý, sử dụng đồ chơi trẻ em và học sinh dưới 16 tuổi sử dụng trong nhà trường, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6.
Thông tư nêu rõ, đồ chơi được trang bị trong nhà trường phải đảm bảo chất lượng theo quy định, đồng thời có nhãn hàng hóa bắt buộc. Cụ thể, đối với các đồ chơi sản xuất trong nước trên sản phẩm phải có nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; cảnh báo vệ sinh, an toàn; hướng dẫn sử dụng; hạn sử dụng; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận…
Đối với đồ chơi nhập khẩu mà nhãn hàng hóa trên sản phẩm chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung trên thì phải có thêm nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Bộ GDĐT đặc biệt lưu ý, đồ chơi được trang bị, sử dụng trong nhà trường phải đảm bảo an toàn khi sử dụng. Bên cạnh đó, các đồ chơi này phải phù hợp với thuần phong, mỹ tục và truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam; không mang tư tưởng bạo lực; phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi và phát triển trí tuệ của trẻ em.
Ngoài ra, các trường cần tạo điều kiện và động viên, khuyến khích các hoạt động tự làm đồ chơi của giáo viên và học sinh; phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội. Đồ chơi tự làm trong nhà trường nhằm mục đích phục vụ nội dung chương trình giáo dục theo từng cấp học; Khuyến khích các đồ chơi dân gian, đồ chơi phát triển trí tuệ.
Theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em ” do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định, đồ chơi an toàn cho trẻ em phải đáp ứng yêu cầu về cơ lý, yêu cầu về chống cháy và yêu cầu về hóa học. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng quy định các sản phẩm sau không được coi là đồ chơi:
– Xe đạp, ngoại trừ các xe được coi là đồ chơi, nghĩa là có chiều cao yên tối đa là 435 mm; – Súng cao su (ná bắn đá cũng được coi là súng cao su); – Mũi tên có đầu nhọn kim loại; – Súng và súng ngắn hoạt động bằng hơi hay khí nén; – Các bộ mô hình lắp ráp, mô hình máy bay hay tàu thủy không được thiết kế dùng để chơi; – Các loại sản phẩm có bộ phận đốt nóng với mục đích sử dụng dưới sự giám sát của người lớn dùng trong giảng dạy; – Núm vú cao su giả dành cho trẻ em (đầu vú giả cho trẻ em ngậm); – Các loại đồ chơi nghe nhìn có thể kết nối với màn hình vận hành ở điện áp danh định lớn hơn 24 V;… |