Những tai nạn nguy hiểm như té lầu, hóc dị vật, ngạt nước, bỏng lửa… ở trẻ em thời gian gần đây đang có dấu hiệu tăng cao. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch thậm chí tử vong do phụ huynh không biết cách sơ cứu.
Tai nạn ở trẻ… “khổ lắm nói mãi”
Trẻ em rất hiếu động, thích khám phá thế giới bên ngoài nhưng các bé chưa ý thức được những nguy hiểm có thể xảy ra. Thời gian gần đây, hai bệnh viện Nhi Đồng trên địa bàn TPHCM liên tục tiếp nhận những trường hợp tai nạn nguy hiểm ở trẻ, các bác sĩ cảnh báo con số này có thể sẽ còn tăng cao vào những tháng hè sắp tới.
Có những tình huống tai nạn, dù đã xảy ra nhiều lần nhưng vẫn khiến các bác sĩ “toát mồ hôi”. Ngày 18/4 bé L.V.T (16 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng quấy khóc, nôn ói dữ dội… Trước đó mẹ của bé trong lúc may đồ và cho con ngồi chơi bên cạnh. May xong chị sơ ý để chiếc kim trên giường. Khi thấy bé nôn ói và khóc không ra tiếng chị tá hỏa quay ra tìm chiếc kim thì nó đã “không cánh mà bay”.
Mỗi ngày hàng chục trẻ bị tai nạn phải nhập viện
Ngay lập tức, bác sĩ bắt tay vào cuộc truy tìm dị vật nguy hiểm. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, dị vật nằm trong lồng ngực bệnh nhi. Tuy nhiên, không thể xác định được chính xác cây kim đang nằm ở đường tiêu hóa hay đường hô hấp. Phải mất nhiều giờ tiến hành thủ thuật, bác sĩ mới lấy được cây kim từ thực quản của bé.
Nhắc đến sự sống sót kỳ diệu của bé N.P.D.A (6 tuổi, ngụ tại Bình Thạnh) sau khi ngã xuống từ lầu 4 vào đầu tháng 4, nhiều bác sĩ của bệnh viện Nhi Đồng 2 còn “rùng mình”. Trước đó, bé D.A. chơi trên ban công lầu 4 của chung cư thì bị rơi mắt kính xuống bồn hoa, cháu với tay nhặt lại nhưng bất ngờ trượt chân. Bé D.A văng ra khỏi lan can lầu 4, vướng vào mái che ở lầu 3, rơi xuống mái che lầu 2, va vào dây điện tại lầu 1 rồi đập đầu xuống đất. Được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng nguy kịch, kết quả chụp CT cho thấy não của bé bị tụ máu ở màng cứng vùng hố sau gáy. Sau một giờ phẫu thuật giải phóng toàn bộ lượng máu tụ, bé D.A mới qua được cơn nguy kịch.
Té lầu là một tai nạn đặc biệt nguy hiểm có thể cướp đi mạng sống của trẻ ngay tại chỗ nhưng theo BS Đặng Xuân Vinh, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, mỗi ngày khoa tiếp nhận hàng chục ca trẻ ngã, trong đó không ít trường hợp té cầu thang, té lầu khiến các bé gãy chân tay hoặc chấn thương não, nhiều trường hợp chuyển đến bệnh viện thì đã muộn.
Phụ huynh phải nắm được cách sơ cứu cho trẻ
Cũng có những tai nạn rất bình thường xảy ra nhưng không được phát hiện kịp thời khiến các bé rơi vào tình trạng nguy kịch. Ngày 24/4, bệnh nhi T.T.Q (27 tháng tuổi, ngụ tại Kon Tum) sau gần một tháng điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng tình trạng ho sặc, khó thở không giảm, chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ đã gắp ra một hạt đậu phộng trong góc trái phế quản của bé.
Theo thông tin từ các bác sĩ rất nhiều tai nạn không đến mức nguy hiểm nhưng do người lớn sơ cứu không đúng cách khiến tình trạng của trẻ trở nặng khi đến bệnh viện. Mới đây bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận trường hợp một cháu bé bị rắn hổ mèo cắn nhưng thay vì chuyển bé đến bệnh viện phụ huynh lại ga rô và đắp lá cây trị độc khiến cánh tay cháu bị hoại tử.
Nhiều bé bị bỏng lửa đã bị nhiễm trùng nặng do phụ huynh dùng kem đánh răng, nước mắm, dầu ăn bôi lên vết thương. Vẫn còn tình trạng trẻ bị đuối nước nhưng do sơ cứu bằng cách sốc nước và hở lửa nên khi chuyển đến bệnh viện trẻ đã bị chết não hoặc tử vong.
Để hạn chế tình trạng trên, BS Đoàn Thị Ngọc Diệp, Trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 2, khuyến cáo các bậc phụ huynh cần nắm được những nguyên tắc cơ bản trong việc sơ cứu cho nạn nhân để có thể giúp trẻ vượt qua nguy kịch trong những “phút vàng”:
Với trẻ bị ngạt nước, tuyệt đối không hơ lửa, sốc nước mà cần cấp cứu ngưng tim ngưng thở bằng biện pháp ấn ngực, hà hơi thổi ngạt. Bên cạnh việc hồi sức tích cực, cần giữ ấm cho trẻ trên đường đến bệnh viện.
Ở những trẻ bị dị vật đường thở, nếu dị vật đã nằm sâu trong miệng bé, không nên đưa tay vào miệng trẻ để móc dị vật ra vì ngón tay của bạn có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, cần phải vỗ lưng ấn ngực cho trẻ để tống dị vật ra ngoài. Nếu trẻ bị bỏng, cần rửa sạch vết thương, đắp một miếng gạc mỏng lên vùng da bị tổn thương trước khi đưa đi cấp cứu. Trẻ bị rắn độc cắn không nên ga-rô hay chích vết thương để hút độc mà cần rửa sạch vết thương và chuyển đến bệnh viện.
Với những thương tích gãy chân gãy tay, cần nhanh chóng cố định bằng nẹp. Những chấn thương khác như chấn thương ở cổ, chấn thương cột sống tuyệt đối không đỡ trẻ ngồi dậy mà cần cố định trẻ trên băng ca hoặc tấm ván phẳng trước khi đưa đi cấp cứu. Việc làm này sẽ tránh cho trẻ bị dập hoặc đứt tủy sống.