Sữa là một thức uống bổ dưỡng, cung cấp vitamin, dưỡng chất và nhiều canxi, rất tốt cho người già và trẻ em. Cùng với sự phát triển của xã hội và mức sống của người dân thì sữa đang dần trở thành thức uống hàng ngày đối với mọi lứa tuổi. Nhưng người tiêu dùng luôn được xem trên ti vi các đoạn quảng cáo với lời khẳng định của doanh nghiệp sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi nguyên chất 100%. Nhưng sữa tươi có thực sự là nguyên chất? Trẻ em thì vẫn cần sữa để lớn, bố mẹ vẫn phải chi tiền ra mua sản phẩm mà họ chẳng biết đâu là sự thật.
Bắt đầu từ con số thống kê không khỏi băn khoăn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tổng sản lượng sữa tươi hiện nay chỉ đáp ứng được 22% nhu cầu sữa nước nói chung. Còn lại (78%) phải dùng sữa bột hoàn nguyên. Câu hỏi đặt ra là gần 80% sữa tươi nguyên liệu còn thiếu được lí giải thế nào khi trên thị trường vẫn tràn ngập sữa tươi 100% với đủ nhãn mác, xuất xứ. Sữa tươi ở đâu ra mà nhiều quá vậy?! Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn đối với ba loại sữa tươi, trong đó: Sữa tươi thanh trùng là sản phẩm được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu (hay còn gọi là sữa tươi nguyên chất) đã qua xử lý ở nhiệt độ cao; sữa tươi tiệt trùng là sản phẩm được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu được bổ sung thêm sữa bột hoặc chất béo sữa nhưng không quá 1% lượng sữa tươi nguyên liệu, đã qua xử lý ở nhiệt độ cao; sữa tươi hoàn nguyên tiệt trùng là sản phẩm được chế biến bằng cách pha trộn sữa bột, chất béo sữa, nước và các phụ liệu khác, đã qua xử lý ở nhiệt độ cao.
Theo một giám đốc doanh nghiệp sữa “tiết lộ” tại một hội thảo về sữa diễn ra gần đây: “Nếu tính theo giá sữa nguyên liệu sữa bột nhập khẩu hiện nay là 2.000 USD/tấn, thì giá nguyên liệu cho 1 lít là khoảng 5.000 đồng/lít, trong khi đó giá mua nguyên liệu sữa tươi trung bình là 7.200 đồng/lít, thì việc mua sữa bột pha chế sẽ lợi được hơn 30% so với khi mua sữa bò tươi”. Việc sản xuất “sữa tươi” từ sữa bột nguyên liệu nhập khẩu có giá thành thấp hơn so với sản xuất “sữa tươi” có nguồn gốc sữa tươi trong nước nên các doanh nghiệp đã lập lờ trong chuyện này để kiếm lợi. Vì trên thực tế không thể nhập khẩu sữa tươi từ nước ngoài về để sản xuất sữa tươi được. Mỗi ngày thị trường tiêu thụ hàng triệu lít sữa, riêng ở Hà Nội con số đó đã có thể lên đến hơn 200,000 lít. Liệu bao nhiêu % sản lượng sữa đó được thực sự sản xuất ra từ sữa bò của nông dân Việt Nam? Và chắc chắn không ai có thể biết một con bò sữa xịn phải cõng thêm bao nhiêu túi sữa tiêu thụ trên thị trường đang được gắn nhãn sữa tươi.
Bác sĩ Ngô Thị Vân Hương, Viện Vệ sinh Y tế công cộng cho rằng: “Một số người còn lẫn lộn giữa “sữa tươi tiệt trùng” với thành phần chính là sữa tươi và “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” với thành phần chính từ sữa bột. Lẽ ra, các nhà sản xuất nên ghi cụ thể thành phần, định lượng, giá trị dinh dưỡng trên bao bì chứ cách ghi chung chung như hiện nay thì cả giới chuyên môn cũng không xác định được giá trị dinh dưỡng thật huống chi là người tiêu dùng”. TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cũng khẳng định, qua khảo sát của Cục Quản lý cạnh tranh, các sản phẩm sữa nước được bán trên thị trường hiện nay không có một sản phẩm nào ghi trên nhãn mác là sữa hoàn nguyên tiệt trùng mà toàn ghi sữa tươi thanh trùng và sữa tươi tiệt trùng.
Như vậy, đã có một số doanh nghiệp sản xuất cố tình gây nhầm lẫn trong hoạt động quảng cáo, ghi nhãn mác sản phẩm sữa tươi nguyên chất để đánh lừa người tiêu dùng. Hành vi trên đã vi phạm Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng khi cung cấp thông tin sai lệch khiến người tiêu dùng bị đánh lừa về chất lượng sản phẩm. Việc xử lý những vi phạm trên vẫn chưa triệt để do kẽ hở của các văn bản pháp quy không quy định tỷ lệ phần trăm thành phần để doanh nghiệp lách luật. Người tiêu dùng bị “đánh lừa”, bị “móc túi” nhưng doanh nghiệp lại biện minh rằng không thể ghi rõ ràng tỷ lệ sữa bột, sữa tươi vì sản lượng sữa tươi thu mua thay đổi theo mùa, theo ngày.
Không chỉ dừng lại đó, theo các chuyên gia ngành sữa và thực phẩm, chất lượng các loại sản phẩm sữa nước trên thị trường hiện nay có rất nhiều câu hỏi cần được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, ví dụ như nhà sản xuất có đảm bảo đầy đủ các nguồn dinh dưỡng cần thiết như thông tin cung cấp in trên bao bì? Trong công thức sản xuất sữa nước, các nhà sản xuất đã đánh tráo loại thành phần chất béo từ sữa bò nguyên chất bằng các loại dầu thực vật, các khoáng chất cần thiết của thành phần này do vậy đã bị mất đi. Trong công thức sản xuất sữa hoàn nguyên của các nước, ngoài thành phần nước chiếm 86-87%, các thành phần vật chất khô (chiếm 12-13%), còn lại chủ yếu là bột sữa gầy – bột sữa bò đã được tách chất béo, đường, phụ gia… Nguồn chất béo sử dụng để sản xuất loại sữa này là loại AMF (anhydrous milk fat) – chất béo từ sữa bò nguyên chất. Ngoài thành phần chất béo lấy từ sữa bò nguyên chất (có giá trị dinh dưỡng cao), trong AMF còn chứa hàng loạt khoáng chất rất có lợi cho cơ thể như canxi, sắt, potassium, vitamin A, B… Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất sữa trong nước hiện đều sử dụng dầu thực vật (chủ yếu là dầu cọ) để thay thế cho AMF. Một trong những lý do quan trọng là giá dầu cọ chỉ bằng 1/6 giá AMF nhập khẩu. Một chuyên gia ngành thực phẩm khẳng định nếu phân tích các thành phần sữa nước hiện nay, các cơ quan chức năng cũng sẽ ghi nhận trong sản phẩm đủ độ béo, nhưng trên thực tế thì hàng loạt khoáng chất quan trọng có trong AMF lại không có trong sữa do đã bị thay thế bằng dầu thực vật.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó nguyên nhân chính là: Sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng có trách nhiệm trong việc quản lý chất lượng sữa tươi trên thị trường; sự thiếu trách nhiệm của nhà sản xuất dẫn đến người tiêu dùng bị đưa vào mê hồn trận. Theo bà Nga, để giải quyết được vấn đề này, Bộ Y tế, Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quảng cáo, ghi nhãn mác sản phẩm và công bố cho người tiêu dùng biết kết quả thanh kiểm tra về chất lượng sữa tới công chúng. Mặt khác, cũng cần rà soát các văn bản pháp luật để bổ sung, sửa đổi các quy định khó thực hiện hoặc đã lỗi thời để có thể bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Bộ Công thương cho biết, sẽ có kế hoạch xây dựng chương trình kiểm nghiệm chất lượng sữa tươi và từ đó dựa trên kết quả kiểm nghiệm, Bộ Công thương sẽ đưa ra thông điệp khuyến cáo tới người tiêu dùng. Nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng, Bộ sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử phạt. Như vậy, ngay lúc này cơ quan quản lý vẫn chưa có được biện pháp hữu hiệu để dẹp loạn sữa tươi “giả cầy”, người tiêu dùng sẽ tiếp tục phải chờ đợi.