Sau khi có hiện tượng 18 bệnh nhi ở Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ (Thái Nguyên) được cho là bị sốt sau khi tiêm kháng sinh, khiến dư luận quan tâm trước vấn đề sử dụng thuốc. PV Báo CAND đã gặp gỡ và trao đổi với nhiều nhân chứng và các chuyên gia, để có được câu trả lời đầy đủ về sự việc.
Chiều 21/4, vào lúc 15h, nhân viên y tế của Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ, đã tiến hành tiêm kháng sinh cho các bệnh nhi đang điều trị tại đây theo lịch. Thời điểm này, Khoa Nhi đang có trên 50 cháu đã vào viện điều trị rải rác trước đó từ 2-5 ngày, chỉ có 2 bệnh nhân mới vào sáng 21/4.
Hai tiếng sau khi tiêm, khoảng 17h ngày 21/4, gia đình của 2 bệnh nhi báo với nhân viên y tế việc con họ bị sốt cao và đã được các nhân viên y tế đo nhiệt độ rồi cho dùng thuốc để hạ sốt. Lúc này, theo đề nghị của một số gia đình bệnh nhân, nhân viên y tế cũng kiểm tra nhiệt độ cho 18 bệnh nhi đang điều trị về các bệnh viêm phổi và đều cho thấy các cháu có sốt với các mức độ khác nhau. Có 2 cháu bị khó thở nhẹ đã được cho thở oxy, số cháu sốt nhẹ thì được chườm khăn lạnh, một số cháu bị đi ngoài, nôn đều được xử lý kịp thời.
Khoảng hơn một tiếng sau, đa số các bệnh nhân đều ổn định và đến 22h thì hoàn toàn không sốt nữa. Ngay sáng hôm sau, ngày 22/4, một số bệnh nhân đã được ra viện và 2 bệnh nhân cuối cùng cũng xuất viện vào ngày 27/4.
Để tìm hiểu khách quan các thông tin, chúng tôi đã trao đổi với chị Vũ Thị Phương ở xóm 4, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, là mẹ của cháu Nguyễn Xuân Bách (nhập viện sáng 21/4 vì viêm phổi), được chị cho biết: Sau mũi tiêm lúc 15h ngày 21/4, cháu Bách chỉ bị sốt 38 độ C, không tím tái, không nôn và không đi ngoài.
Sau khi được bác sĩ cho dùng thuốc hạ sốt, khoảng 20 phút sau, cháu đã hết sốt và đã ra viện vào ngày 26/4. Chị Lưu Hồng Thụy (xóm Phú Thịnh 1, xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ), mẹ của bệnh nhi Nguyễn Tất Thái Sơn 8 tháng tuổi, cũng cho biết: Cháu Sơn vào viện ngày 14/4 vì viêm phổi.
Khoảng 17h ngày 21/4, cháu cũng bị sốt 39 độ C, khó thở và đã được các bác sĩ cho thở oxy. Tuy nhiên, chỉ 1 tiếng sau là cháu hết sốt và đã ra viện ngay sáng 22/4. Từ hôm đó đến nay, sức khỏe của cháu Sơn vẫn bình thường.
Trao đổi với chúng tôi, Ths. Đào Văn Soạn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ, cho hay: Các loại thuốc mà nhân viên y tế sử dụng cho bệnh nhân không phải một loại, mà là 5 loại kháng sinh khác nhau, gồm: Cefotaxin 1g của Canada, Ceftardime 1g của Ấn Độ, Sultasil 750mg của Nga, Ampicillin 1g của Việt Nam, Gentamycin 40mg của Việt Nam. Nguồn thuốc được mua qua đấu thầu của Sở Y tế Thái Nguyên và đều có xuất xứ rõ ràng.
Ths. Đào Văn Soạn cho rằng: Chúng tôi nghĩ rằng, hiện tượng trẻ sốt như vậy không phải do dị ứng với kháng sinh, mà là do bệnh, vì các bệnh viêm nhiễm của trẻ như viêm phổi, viêm họng, viêm amidan vv… luôn có triệu chứng sốt và ho do nhiễm trùng. Trong giai đoạn bệnh nhân đang có tiến triển, vẫn có thể bị sốt.
Trước khi tiêm, nhân viên y tế đều thực hiện đúng qui trình, đã thử phản ứng. Đặc biệt là, trước mũi tiêm lúc 15h ngày 21/4, các bệnh nhi đều đã dùng thuốc từ 2-5 ngày. Ngay với 2 bệnh nhi vào viện sáng 21/4 cũng đã được tiêm kháng sinh 2 lần trước mũi tiêm lúc 15h, nhưng đều không có biểu hiện gì. Sau đó, bệnh tình các cháu đều khả quan. Đến nay, toàn bộ 18 bệnh nhi được cho là có sốt sau mũi tiêm hôm đó, đều đã xuất viện sau khi sức khỏe ổn định. Mặc dù vậy, Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ đã chủ động chuyển mẫu thuốc về Viện Kiểm nghiệm thuốc TW để làm rõ nguyên nhân.
Về chuyên môn, TS. Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, đồng ý với quan điểm của Sở Y tế Thái Nguyên khi cho rằng: các cháu bé bị sốt lúc chiều ngày 21/4, nhiều khả năng chỉ là do hiện tượng viêm phổi đang tiến triển và thuốc hạ sốt được cho uống vào buổi sáng lúc này đã hết tác dụng.
TS. Bùi Văn Hoan, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, cũng cho biết: Ngay sau khi có thông tin, Sở Y tế đã chỉ đạo đoàn công tác gồm Phòng nghiệp vụ Y và Phòng Nghiệp vụ Dược kiểm tra toàn bộ bệnh án của 18 bệnh nhi trên. Qua kiểm tra đoàn kiểm tra thống nhất: Diễn biến của các bệnh nhi ngày 21/4 không phải do hiện tượng phản ứng (dị ứng) thuốc. Hơn nữa, các bệnh án còn lưu và xác minh thực tế cho thấy, một số bệnh nhân chỉ có nốt ban, chứ không phải là tím tái như có thông tin đưa ra.
TS. Bùi Văn Hoan cũng khẳng định, số thuốc kháng sinh mà Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ sử dụng cho bệnh nhân có nguồn gốc rõ ràng, thông qua đấu thầu