Một nghiên cứu mới đây nhất của trường Đại học Cambridge (Mỹ) sẽ khiến cho các phụ huynh bớt lo ngại về các cuộc tranh cãi giữa con cái của mình. Đó là việc anh chị em ruột cãi nhau, thậm chí đánh nhau không phải là một điều xấu, trái lại là một tín hiệu tốt vì nó sẽ giúp bọn trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, vốn từ vựng và thắt chặt sự gắn bó tình cảm giữa em trai và chị gái.
Cuộc nghiên cứu này tập trung vào 140 trẻ em từ 2 tuổi trong các gia đình có thu nhập thấp và các gia đình có con cái ở tuổi thanh thiếu niên đang phải đối diện với nguy cơ kém các kĩ năng về giao tiếp ngôn ngữ. Các nhà nghiên cứu đã quan sát và theo dõi các video tương tác giữa những đứa trẻ này với cha mẹ, anh chị em ruột, bạn bè, họ hàng và người lạ. Ngoài ra, còn tiến hành phỏng vấn và trao đổi với các phụ huynh, giáo viên; đồng thời kiểm tra về ngôn ngữ và khả năng nhớ của mỗi em. Kết quả cho thấy, khi trẻ em tranh luận, tức là chúng đang phát triển tư duy đồng thời phát triển cách thể hiện ngôn ngữ của mình. Ngay cả trong trường hợp mối quan hệ giữa chúng là “ít thân mật” thì cũng tác động ít nhiều đến sự phát triển của chúng. Sự giao lưu, tiếp xúc giữa con cái trong gia đình sẽ giúp trẻ em xây dựng được một thứ gọi là “cảm xúc giàn giáo”, cảm xúc này giúp chúng có khả năng nhận ra và thể hiện được nhiều trạng thái tình cảm khác nhau.
Nhà nghiên cứu Claire Hughes cho biết: Trước đây, các bậc cha mẹ thường lo ngại về những cuộc cãi vã, đánh nhau giữa anh chị em ruột sẽ khiến chúng mất đoàn kết và tạo ra xu hướng bạo lực, tuy nhiên nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một điều rất tích cực, đó là chính những cuộc cãi vã sẽ dạy cho trẻ em rất nhiều kỹ năng quan trọng cho cuộc sống sau này. Quan điểm truyền thống cho rằng gia đình có nhiều con sẽ gây ra sự tranh giành tình cảm giữa các anh chị em với bố mẹ, tuy nhiên nghiên cứu này cho thấy mức độ tranh giành giữa các anh chị em ruột càng nhiều thì kĩ năng hiểu biết về xã hội của chúng càng được tăng lên. Đặc biệt, sau các cuộc cãi vã, đứa trẻ nhỏ tuổi hơn thường học được nhiều kĩ năng và ngôn ngữ quan trọng mà những kĩ năng này sẽ rất tốt cho việc học tập và công việc của chúng sau này.
Nghiên cứu này còn nhấn mạnh ngay cả khi con cái tranh luận nảy lửa hay đánh nhau thì các phụ huynh cũng đừng lo lắng vì chúng sẽ nhanh chóng giảng hòa, đặc biệt điều này rất tốt cho những đứa trẻ nhỏ tuổi, vì những đứa trẻ này khi đến 6 tuổi sẽ đạt được kiến thức về xã hội gần bằng anh chị mình.
Nhà nghiên cứu Claire Hughes cũng khuyên cha mẹ nên học hỏi con cái của mình trong việc giải quyết xung đột, cụ thể: “Trẻ em có thể dạy người lớn rất nhiều điều về việc giải quyết mâu thuẫn, như việc chúng rất nhanh chóng hòa giải tranh giành để tiếp tục chơi với nhau – đó chính là biểu hiện của việc tha thứ dễ dàng – điều mà nhiều phụ huynh không làm được”.
Nghiên cứu cũng khuyến cáo các gia đình có một con không nên lo lắng con mình sẽ không có cơ hội phát triển các kỹ năng xã hội. “Các phụ huynh có một con rất nên chú trọng đến việc thường xuyên trao đổi và nói chuyện với chúng. Chúng sẽ cảm thấy được quan tâm, được giao lưu thường xuyên, điều này rất tốt cho việc phát triển tư duy và ngôn ngữ của chúng”.