Tại Việt Nam mỗi năm có gần 2.000 trẻ em qua đời vì tai nạn giao thông, trong đó chiếm một phần tư trường hợp là do chấn thương sọ não (số liệu thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế thuộc Bộ Y tế) điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi ngày có hơn một trẻ em qua đời vì chấn thương sọ não.
Nhưng vào giờ tan tầm, người dân thành phố vẫn thường xuyên bắt gặp hình ảnh phụ huynh chở một, hai thậm chí là ba em học sinh đầu trần chạy trên đường. Và điều này còn dễ dàng nhận thấy hơn tại các cổng trường vào giờ tan học, không chỉ các trường mầm non, tiểu học mà cả trung học cơ sở.
Trong khi đa số các bậc phụ huynh đều trang bị đầy đủ nón cho mình thì họ vẫn mặc nhiên để con mình đầu trần về nhà. Với lý do là trường học gần nhà và tin tưởng vào khả năng điều khiển tay lái của mình, các bậc phụ huynh không hề biết rằng con em mình đang đối mặt với nguy cơ tai nạn từng phút giây khi lưu thông trên đường.
Theo nghị định số 34 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trẻ em trên 6 tuổi, độ tuổi đến trường, đều phải đội mũ bảo hiểm. Điều này đồng nghĩa với việc các phụ huynh đang ngang nhiên vi phạm Luật giao thông đường bộ ngay trước mặt con mình, những mầm non đang chịu ảnh hưởng, học theo cách cư xử của cha mẹ mình để phát triển nhân cách.
Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn và những bậc phụ huynh lại càng không muốn điều đó xảy ra với con mình. Nhưng tỉ lệ chưa đến 35% trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi đến trường tại ba thành phố Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng trong một cuộc khảo sát của nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội được công bố gần đây là một con số đáng báo động trong tình hình an toàn giao thông tại các đô thị lớn hiện nay.
Điều này cho thấy cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhà trường và xã hội nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh, những người quyết định sự an toàn, tính mạng và cả sự phát triển ý thức tự giác của trẻ.