Chị Nguyễn Thị Huyền (Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội) lo lắng khi biết thông tin về việc thực phẩm trong khẩu phần ăn của trẻ 24 – 36 tháng tuổi tại 4 quận nội thành Hà Nội có nhiễm chì, kim loại nặng. “Toàn những loại thường xuyên ăn mà nhiễm thế này thì con mình ăn gì bây giờ. Suốt ngày cắm mặt đi làm tưởng con mình ăn uống bảo, đảm giờ nghe tin này thấy sốc quá. Không biết là như thế nào nữa.”
Nhiều phụ huynh tỏ ra sốc khi biết thông tin này.
Chị Phạm Mai Hoa (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) sốt sắng: “Ở ngay trong khu vực thấy bảo có nhiễm chì mà mình có biết đâu, có được ai thông báo đâu. Không biết thực hư thế nào chứ cứ như thế này còn dám cho con ăn gì. Tôi cũng chỉ nghe thấy người ta nói rau, nước nhiễm chì chứ không thấy nói cả gạo, cả tôm rồi cả cam nữa. Từ lâu rồi nhà tôi có dám ăn rau ngoài chợ đâu, toàn lấy từ nhà bà ngoại tự trồng ở tận Tây Hồ ăn đấy chứ”.
Theo kết quả phân tích của Viện Dinh dưỡng Quốc gia mới công bố, trong thực phẩm cho nhóm trẻ 24-36 tháng tuổi, có 12 loại thực phẩm được sử dụng thường xuyên là gạo, sữa, cam, thịt lợn nạc, trứng gà, thịt gà, thịt bò, tôm rảo và rau muống…
Kết quả phân tích cho thấy, tình trạng ô nhiễm chì cao nhất ở rau muống và thịt lợn (5/8 mẫu nhiễm chì), sau đó đến gạo (5/12 mẫu). Tôm rảo, cam và quýt có 1/4 số mẫu vượt quá tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng chì.
Đây là kết quả khảo sát trên bốn quận nội thành Hà Nội: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Dù chưa có biện pháp gì phòng tránh, chị Thương chỉ tặc lưỡi, lắc đầu: “Bây giờ đài báo phải đưa thông tin chứ chúng tôi biết làm sao được. Giờ biết thông tin như vậy thì cứ ăn bình thường thôi, đấy là những thứ hằng ngày là cháu phải ăn rồi chứ biết làm sao.”
Vẫn phải ăn thịt, uống sữa
Bà Chu Thị Sinh, hiệu trưởng trường Chim Non (Số 1 ngõ D, làng Vạn Phúc) cũng tỏ ra bất ngờ: “Những thực phẩm này sao lại không đưa lên thông tin đại chúng, tôi chả nắm được cái gì để thông báo lên cho các trường. Từ xưa đến nay trường vẫn dùng thịt, sữa của 1-2 hãng. Thịt toàn lấy thịt sạch thôi”.
Đây là lần đầu tiên bà Sinh biết thông tin 12 loại thực phẩm nhiễm chì. Mặc dù trường mua thực phẩm ở những cơ sở (mà trường cho là) có độ tin cậy cao, nhưng bà Sinh vẫn cho rằng cần phải báo với cơ sở đưa thực phẩm, làm những thí nghiệm để đảm bảo an toàn cho các cháu.
Theo bà Sinh, “cũng nên báo về phòng giáo dục hay có công văn về các trường để các trường xem lại thực phẩm mình ăn để báo lại các bên cung cấp thực phẩm cho mình”.
“Chúng tôi sẽ thận trọng khi lấy các thực phẩm cho các cháu chứ cũng chưa biết làm thế nào cả, đấy là tình trạng chung của cả nước mình chứ không phải là ở 1- 2 trường mầm non. Từ những cơ sở ấy xem nếu đúng nhiễm như thế thì phải xem lại để rút kinh nghiệm, lấy những nơi đảm bảo hơn. Chỉ biết làm như thế thôi chứ cũng chẳng biết làm thế nào cả. Các cháu ngày nào cũng phải ăn thịt, ngày nào cũng phải uống sữa, không thể cắt được” – Bà Sinh kết luận.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, hiệu trưởng trường Mầm non 8/3, phố 8/3, Quỳnh Mai, Hà Nội thì bức xúc về vấn đề cung cấp thông tin và “khoanh vùng khu vực nhiễm chì”.
“Chúng tôi phải xem cụ thể thông tin đó là như thế nào chứ đến giờ vẫn chưa nghe được thông tin đấy. Bây giờ thông tin thì rất nhiều, phải chính xác là khu nào, mạn nào cơ. Rau thì chúng tôi lấy ở nơi khác chứ có lấy ở nơi này đâu”.
Chỉ là thí điểm, không điển hình?
Trước các thông tin nêu trên, ông Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục VSATTP – cho biết kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia chỉ là một nghiên cứu thí điểm cảnh báo, vẫn chưa thể đại diện và đủ căn cứ để kết luận thức ăn của trẻ ở Hà Nội nhiễm chì. Đây mới chỉ là một vài mẫu nhỏ.
Tuy đây chỉ là các mẫu nhỏ, chưa rõ quy mô thực sự của “vùng” thực phẩm nhiễm chì, nhưng tính “cảnh báo” trong thông tin trên thì không thể bỏ qua.
Ý kiến của bác sỹ
TS Phạm Duệ – Giám đốc Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai chỉ ra: nếu ăn phải thực phẩm nhiễm chì vượt quá hàm lượng cho phép sẽ dẫn đến một dạng nhiễm độc chì mãn tính.
Khi nhiễm độc chì mãn tính trong người lớn cũng như trẻ em đều có hại cả, nhưng đặc biệt độc hại với trẻ em và để lại di chứng nhiều hơn. Vì trẻ em đang trong quá trình phát triển thể chất và tình thần, nhiễm độc chì sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần. Ảnh hưởng hàng đầu mà người ta hay nói đến đó là ảnh hưởng lên thần kinh trung ương. Đứa trẻ sẽ có thể bị chậm phát triển, bị trì độ, bị thay đổi tư duy và hành vi và mất năng lực học tập hoặc sự phát triển trí óc.
Về ngoại vi, nó sẽ gây ra những kiểu bệnh thần kinh ngoại vi, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, ảnh hưởng đến cả hệ xương, cơ, làm cho các xương già không dài được khiến trẻ bị lùn, thấp bé. Đến nhiễm độc chì mạn tính còn ảnh hưởng đến huyết học.
Khuyến cáo của TS Phạm Duệ – Giám đốc Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai: Thận trọng, nhưng không hốt hoảng
“Khi đã bị nhiễm độc rồi giải độc phải đến bệnh viện, dùng chất gắp chì và thả chất thải độc đặc hiệu để thải ra. Nhiễm độc mạn không có sơ cứu gì cả mà phải ngừng tiếp xúc nhiễm độc mạnh thôi và phải đến bệnh viện để người ta xét nghiệm, nếu như ở mức độ phải giải độc thì dùng thuốc thải độc.
Các bậc phụ huynh phải quan tâm, phải nắm bắt các kiến thức. Những điều tra ví dụ những điều tra về thực phẩm đó cũng phải công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì lượng chì cho phép nó rất thấp, bây giờ nó vượt quá một chút ít, vượt quá ngưỡng đấy không phải chúng ta có thể nhận thấy bằng mắt được, không phải chúng ta có thể nhận biết bằng hương vị được, không thể đoán được mà chỉ có ở điều tra và các xét nghiệm điều tra đều phải công bố hết để cho xã hội biết. Đối với người tiêu dùng phải theo dõi, phải chú ý, quan tâm đến những thông tin công cộng truyền thông, công cộng y tế để phòng tránh.
Nhiễm độc chì nó không mạnh mà nó âm thầm, nó có hàm lượng rất nhỏ trong thức ăn, trong đồ chơi của trẻ em hay trong nước uống ô nhiễm, nó lại dần dần từ từ ảnh hưởng đến sự phát triển sức khỏe, trí tuệ của trẻ em, tức là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước.
Tuy nhiên, mọi người cũng không nên lo lắng, hốt hoảng bởi theo tôi được biết các loại thực phẩm nhiễm chì mới phát hiện ở các loại thực phẩm của Trung Quốc, còn thực phẩm của Việt Nam chưa có”.