“Hầu hết các bậc cha mẹ đổ lỗi cho con cái của họ. Trong thực tế, cha mẹ nên nhìn vào bản thân, những gì là sai lầm của họ khiến trẻ trở nên ngang bướng”, Melly Kiong, tác giả của cuốn sách “Làm thế nào để Giáo dục con” cho biết.
Theo bà, đứa trẻ trở thành “có vấn đề” bởi vì chúng muốn thể hiện sự bất đồng về thái độ của cha mẹ. Nếu bạn hỏi một đứa trẻ những gì mà chúng muốn phàn nàn về bạn, chúng có thể nói rằng bạn ghê ghớm, lúc nào cũng tỏ ra hiểu biết và hiểu con, bận rộn, ích kỷ, thích kiểm soát, độc đoán… Do đó, Melly kết luận, bất kỳ vấn đề gì xảy ra ở con cái đều là do cha mẹ chúng.
“Đừng đổ lỗi cho những đứa trẻ nếu chúng thích chơi game. Người mua game cho con, nếu không phải cha mẹ thì là ai?” Melly đưa ra ví dụ.
Có nhiều ví dụ về hành vi xấu của trẻ em thực sự là do hành vi không đẹp, không đem lại niềm vui của cha mẹ. Ví dụ, Melly cho biết thêm, những đứa trẻ có tâm lý chống đối là do cha mẹ có tư tưởng độc đoán. Trẻ em hư hỏng vì cha mẹ quá chú tâm những đam mê, ham muốn của mình. Trẻ em ích kỷ bởi vì cha mẹ chúng cũng ích kỷ.
“Chúng ta từng là con cái, trong khi con cái không bao giờ trở thành cha mẹ của chúng ta. Do đó, giáo dục trẻ em là phải đặt mình vào vị trí của con em chúng ta, không áp đặt sự mong muốn của chúng ta,” Melly cho biết thêm. Sai lầm khác của các bậc cha mẹ là thường nhanh nhanh chóng để kết luận rằng hành vi của đứa trẻ là không phù hợp với các giá trị đạo đức mà họ có và thường răn dạy trẻ.
Khi thấy trẻ trở nên ngang bướng, bạn hoàn toàn có thể giải quyết bằng cách thực hiện những cách sau đây:
1. Rủ trẻ cùng đề ra quy định để khi trẻ vi phạm quy định đó, bố mẹ có thể nhắc trẻ nhớ lại những quy tắc đã nhất trí với nhau trước đó. Đưa ra những hình phạt đối với các hành vi vi phạm đó và được sự chấp thuận của trẻ. Vì vậy, khi bị áp dụng hình phạt, trẻ không ngạc nhiên và bất ngờ vì trẻ đã đồng ý với các hình phạt đó.
2. Xây dựng tinh thần đấu tranh cho trẻ. Tập thói quen đấu tranh cho trẻ. Ví dụ, trẻ sẽ có những món đồ chơi nếu đạt được những thành tích nhất định. Ngay cả đối với tiền tiêu vặt, hãy cho trẻ với mức vừa đủ theo nhu cầu. Nếu trẻ muốn nhiều hơn, trẻ phải làm điều gì đó tốt hoặc đem lại niềm tự hào để có thể có được nhiều tiền hơn.
3. Xây dựng sự tự tin của trẻ. Hãy tập thói quen khen ngợi đối với những việc làm tốt của trẻ, dù việc đó nhỏ đến đâu để xây dựng sự tự tin của trẻ. Đưa ra các từ ngợi khen khiến trẻ tự hào về bản thân như “thông minh” hay “xinh đẹp…”
4. Xây dựng “Bảo tàng Tình yêu người Mẹ”. Lưu lại mọi khoảnh khắc với con trẻ. Ví dụ, giữ vé xem chiếu bóng khi đi xem cùng trẻ, vé máy bay khi đi nghỉ cùng nhau, hoặc lưu lại những hình ảnh và video kỷ niệm đẹp. Một ngày nào đó mở tất cả những vật lưu niệm đó sẽ giúp trẻ nhớ lại thời thơ trẻ, để nhắc nhở về những khoảnh khắc hạnh phúc mà cha mẹ dành cho trẻ.
5. Hãy viết lên những mảnh giấy nhắn khiến người mẹ xích lại gần hơn với con trẻ. Ví dụ trước khi con đi học, viết giấy nhắn thể hiện tình yêu thương đối với trẻ để vào trong hộp bút. Hoặc đính kèm một tờ giấy với thông điệp tình yêu của bạn trên tủ lạnh khi bạn đang đi công tác để con trẻ luôn luôn cảm thấy gần gũi với bạn. Tạo những tin nhắn chạm vào trái tim của trẻ để trẻ hiểu được những gì nên và không nên làm mà không thấy là bị ra lệnh.
Melly cũng nhắc nhở, những điều đó ảnh hưởng đến sự thành công cũng như sự thông minh, cảm xúc, trí tuệ tinh thần, và sự tự lập, kiên cường của trẻ khi đối mặt với vấn đề. “Trí thông minh có thể được mài dũa bằng giáo dục chính quy trong các trường học nhưng tình cảm, tinh thần, và sự kiên cường trong việc đối mặt với vấn đề là nhiệm vụ của các bà mẹ”, Melly đưa ra kết luận.