“Tất cả trẻ em trên thế giới đều trong trắng, dễ bị tổn thương và còn phụ thuộc, đồng thời chúng hiểu biết, ham hoạt động và đầy ước vọng. Tuổi chúng phải được sống trong vui tươi, thanh bình, được học tập vui chơi và phát triển. Tương lai của chúng phải được hình thành trong sự hòa hợp và tương trợ. Chúng phải được trưởng thành khi được mở rộng tầm nhìn, thu nhận thêm những kinh nghiệm mới”. (Trích “Tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em”.)
Hiện nay, ở Việt Nam, rất nhiều trẻ em do hoàn cảnh sống mà bị tước đi một số quyền lợi mà đứa trẻ nào cũng có quyền được hưởng, không ít em đang phải sống trong cảnh khổ sở: bệnh tật, vô gia cư, mù chữ… Một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn các em nhận được để có thể phát triển thể chất và trí tuệ một cách toàn diện, sau này cống hiến cho nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “ Trẻ em như búp trên cành”. Đúng vậy, trẻ em giống như những búp non trên cành, có tầm quyết định tới cả cây và năng suất mùa quả, nhưng nó lại yếu ớt vô cùng. Một cơn gió nhẹ thôi cũng đủ sức quật ngã nó, chỉ cần một con bướm bay tới hút nhựa hay một con sâu ăn lá nhỏ tấn công, nó đều sợ hãi giơ tay đầu hàng, và như thế cả cây sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí bị hủy hoại hoàn toàn. Do đó, để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt, người lao động cần phải che chắn, bảo vệ cẩn thận, chăm sóc chu đáo, để mắt thường xuyên để tránh những tác nhân xấu xâm hại, cũng như trẻ em cần có sự quan tâm, chăm sóc, che chở để không bị những con “sâu”, “bướm” của ngoại cảnh cản trở quá trình phát triển của các em.
Thế giới rộng vô cùng, cuộc sống là muôn hình vạn trạng, cuộc sống là cái nôi của con người, cho con người sống, hưởng thụ, chạm tay tới niềm vui, niềm hạnh phúc,… nhưng đồng thời cuộc sống cũng “làm khó” con người bằng cách tạo ra vô số những khó khăn, phiền toái, những hiểm họa để con người đối mặt. Những thử thách – “món quà khó tiêu hóa” của cuộc sống cũng dành cho cả trẻ em, trong số đó, “khó tiêu hóa” nhất phải kể đến đó là dịch bệnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy dịch bệnh là yếu tố chiếm số phần trăm lớn nhất trong số những hiểm họa đe dọa tới quyền sống và phát triển của trẻ em, vì nó cướp đi sức khỏe – thứ cần thiết nhất của con người.
Sau đây, tôi xin kể lại hai câu chuyện (trích trong “hạt giống tâm hồn” – quyển 1) để mọi người hiểu được phần nào cuộc sống của những đứa trẻ “không bình thường”.
Câu chuyện thứ nhất: Chắp cánh ước mơ
Có một cậu bé lớn lên trong trại mồ côi luôn ước mơ được bay như chim trên trời. Cậu quả tình không hiểu tại sao những con vật ở thảo cầm viên trông to lớn hơn mình nhiều mà lại bay được. “Tại sao mình không bay được nhỉ?” Cậu tự hỏi: “Chẳng lẽ mình có gì đó bất thường chăng?”
Sống gần trại trẻ mồ côi có một chú bé bị liệt đôi chân. Ước muốn duy nhất của chú chỉ là được đi và chạy nhảy như bao bạn bè đồng trang lứa. Trong đầu chú luôn nặng trĩu câu hỏi: “Tại sao mình không giống như các bạn ấy nhỉ?”.
Một hôm, cậu bé mồ côi đến công viên chơi và tình cờ gặp chú bé tật nguyền đang ngồi nghịch cát. Cậu lân la đến gần làm quen và hỏi xem chú bé kia có khi nào mong muốn được bay lượn như chim không.
– Không! – Chú bé bị liệt trả lời. – Nhưng mình luôn muốn biết cảm giác đi và chạy giống các bạn nó như thế nào.
– Có gì vui đâu! – cậu bé muốn bay như chim đáp. À này, đằng ấy với mình kết bạn với nhau nhé, được không?
– Được chứ, mình cũng thích thế.
Thế rồi hai chú bé ngồi chơi với nhau hàng giờ liền, cùng xây những tòa lâu đài bằng cát và cùng đua nhau phát ra đủ loại âm thanh vui nhộn từ hai chiếc miệng xinh xắn. Chúng nhìn nhau, nét mặt rạng ngời niềm vui. Góc công viên chốc chốc lại rộ lên những tràng cười giòn tan. Cuộc vui dừng lại khi cha của chú bé bị liệt mang xe lăn đến đón con về. Cậu bé luôn ao ước bay được như chim chạy đến bên người cha và nhón chân lên thì thầm điều gì đó vào tai ông.
– Được đấy. – Người cha gật gù.
Xong, cậu bé chạy về phía người bạn mới của mình và bảo:
– Đằng ấy là người bạn duy nhất của mình. Ước gì mình có thể giúp đằng ấy đi và chạy được như mình. Tuy nhiên, mình nghĩ điều này thì mình có thể làm được.
Dứt lời, cậu xoay người lại và bảo bạn trèo lên lưng mình. Và rồi cậu chạy trên bãi cỏ công viên. Những bước chân ban đầu còn ngắn ngủi, chuệnh choạng, về sau mỗi lúc một nhanh thoăn thoắt hơn lên. Trên lưng, người bạn tật nguyền ôm ghì lấy cổ cậu. Như được tiếp thêm sức mạnh, đôi chân cậu lướt chạy băng băng, cho tới lúc gió tạt mạnh vào mặt hai đứa trẻ.
Người cha đứng lặng nhìn theo cả hai, mắt rưng rưng. Đứa con không đi được của ông đang giang rộng đôi cánh tay, vung vẫy trong gió và luôn miệng thét to:
– Con đang bay, bố ơi. Con đang bay!
Câu chuyện thứ hai: Ước mơ bé bỏng
Chuyện kể về co bé Amy, học sinh lớp ba, trường tiểu học South Wayne. Chỉ vì căn bệnh bại não mà Amy bị học sinh cả trường trêu chọc, bắt nạt. Các bạn chế giễu em, không chơi với em, ngay từ đầu năm học ngày nào Amy cũng bị bạn chọc ghẹo, lúc thì bắt chước giọng nói, lúc thì bắt chước dáng đi khó nhọc của em… Lúc nào em cũng thấy mình lạc lõng.
Sắp đến Giáng sinh, theo lệ, tất cả trẻ em đều viết thư gửi cho ông già Noel. Amy cũng viết, em không hề hé cho ai biết lời ước của mình.
Tại đài phát thanh của thị trấn, những lá thư của các em nhỏ ào ạt gửi đến dự thi. Các nhân viên đã liệt kê được rất nhiều món quà khác nhau mà các bé trai bé gái ở khắp nơi trong thành phố ước ao nhận được trong ngày Giáng sinh. Khi đến lá thư của Amy, giám đốc Lee Tobin đã đọc đi đọc lại nó rất cẩn thận:
“Thưa ông già Noel!
Con tên là Amy, năm nay con chín tuổi. Con có một chuyện rắc rối ở trường học, không biết ông có thể giúp con được không? Các bạn cười nhạo con vì dáng con đi, cách con chạy và giọng con nói. Con bị bệnh bại não. Con chỉ xin ông cho con có được một ngày không bị ai đó cười nhạo và chế giễu con.
Thân ái
Amy”
Hiểu được bại não là căn bệnh làm rối loạn cơ bắp, biết lí do vì sao Amy bị trêu chọc, lá thư ấy khiến trái tim Lee Tobin đau nhói và ông quyết định gọi điện tới tòa soạn của tờ nhật báo trong vùng. Ông muốn mọi người biết về em và lời ước khác thường cuả em.
Ngày hôm sau, hình Amy cùng lời ước giản dị mà ấn tượng – một ngày không bị ai chế giễu – của em đã xuất hiện ngay trên trang nhất tờ News Sentinel. Khắp nước Mỹ đưa tin về em. Cả ngày hôm đó, có rất nhiều lá thư của cả trẻ em và người lớn, ở khắp nơi trong nước, gửi đến cho Amy, có cả những người khuyết tật. Đó là những nỗi thông cảm, chia sẻ và cảm ơn của mọi người đối với Amy. Điều ước của em đã được thực hiện. Năm đó, ngài thị trưởng của thành phố chính thức tuyên bố rằng ngày 21 tháng 12 sẽ trở thành “Ngày của Amy Hagadorn”.
Mỗi người một hoàn cảnh. Những đứa trẻ trong hai câu chuyện trên đều không được bình thường như bạn bè đồng trang lứa, mà phải sống trong cảnh bệnh tật cùng với sự xa lánh, chế giễu của các bạn. Mặc dù vậy, chúng vẫn có những ước mơ, những khao khát cho riêng mình, rất đỗi giản dị, hồn nhiên. Cuộc sống thực tế có vô vàn những mảnh đời bất hạnh như thế, và các em vẫn không ngừng khao khát, mơ ước. Mơ ước về những ước mơ mà với các em là lớn lao vô cùng. Bệnh tật là kẻ xấu xa, độc ác đã làm nhiều trẻ em phải sống trong đau khổ, tước đi quyền được sống một cuộc sống bình thường mà lẽ ra chúng phải được hưởng.
Vậy thì ta cần phải tìm hiểu những nguyên nhân gây ra bệnh tật nào ở trẻ em, từ đó tìm ra biện pháp giải quyết cho vấn đề này.
Theo Khoa học môi trường: “Sau chiến tranh thế giới thứ hai, sức sản xuất xã hội tăng vọt. Việc sử dụng rộng rãi các loại máy móc đã tọa ra một lượng lớn của cải cho loài người, nhưng một lượng khổng lồ các chất phế thải công nghiệp cũng đã gây nên ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Một lượng lớn các chất độc hóa học sau khi thải vào môi trường đã khuếch tán, chuyển dời, tích lũy và chuyển hóa làm cho môi trường không ngừng xấu đi, uy hiếp nghiêm trọng đến sự sống của cả loài người và các sinh vật khác.
Năm 1962, nhà nữ sinh vật học Ra-sen Ca-nơn người Mỹ đã xuất bản tác phẩm “Mùa xuân lặng lẽ”. Cuốn sách miêu tả tỉ mỉ sự phá hoại sinh thái do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây nên: “Những bệnh tật kì dị không lường được đã giết chết hàng loạt chim muông, làm cho bò, cừu lâm bệnh đột tử.” Trẻ em đang chơi đùa bỗng nhiên ngã quỵ, sau mấy giờ chết ngay không chữa nổi. Trên mặt đất chỉ còn sót lại một vài con chim lẻ loi thoi thóp. Đó là một mùa xuân không có sự sống.”
Quyển sách đã gây chấn động dư luận trên toàn thế giới. Người ta bỗng kinh ngạc phát hiện ra: trong một thời gian ngắn chỉ mấy chục năm mà sự phát triển của công nghiệp đã mang lại cho nhân loại một môi trường độc hại. Hơn nữa, môi trường ô nhiễm đã gây nên sự tổn thương toàn diện, lâu dài và nghiêm trọng.
Vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở nên thật nan giải. Các nhà máy xí nghiệp sản xuất các mặt hàng, sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại nên sản phẩm làm ra nhiều hơn mỗi ngày nhưng môi trường vì thế mà cũng đi xuống nhanh chóng. Khói nhà máy thải vào bầu khí, nước thải chưa xử lí xả thẳng ra sông – nguồn nước sinh hoạt duy nhất của người dân ở một số vùng – làm cá chết, người mắc bệnh, đặc biệt trẻ em sẽ còi cọc, chất hóa học độc hại từ nguồn nước mà các em buộc phải lấy để sử dụng, sẽ tích lũy dần trong cơ thể và gây ra những căn bệnh hiểm nghèo,… rác thải cũng đổ bừa bãi, không đúng nơi qui định, trở thành nhà ở của ruồi muỗi, nguy cơ truyền vi khuẩn tả, kiết lị, trùng sốt rét… sang con người, sang trẻ em tăng lên.
Một ví dụ minh họa: Xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao – nơi được mệnh danh là làng ung thư, đều ô nhiễm nặng nề bởi chất độc hóa học. Thậm chí cả mớ rau, con cá ở đây cũng nhiễm loại nặng và chất phóng xạ Thalaum. Nguyên nhân gây ra bệnh là do nhà máy sản xuất phân Lâm Thao đã thải ra môi trường một lượng chất thải quá lớn, nước sông đen sì, cá chất hàng loạt, người dân xã Thạnh Sơn vì thế mà bị ung thư. Theo thống kê, từ năm 1991 cho tới nay, xã có 106 người chết vì ung thư hay gặp là ung thư gan, phổi và vòm họng. Có gia đình ba bốn người chết vì ung thư, có gia đình không còn ai sống sót. Thật là tai hại!
Nguyên nhân thứ hai gây ra bệnh tật ở trẻ em là do di chứng chiến tranh để lại. Nhiều năm về trước, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ sang xâm lược Việt Nam, chúng đã trút xuống đất nước Việt nam hàng tấn chất độc hóa học, vì chúng có màu da cam nên người ta gọi đó là chất độc màu da cam. Hành động đó đã để lại hậu quả nặng nề cho người dân Việt Nam, sức tàn phá khủng khiếp của nó đã làm chết không biết bao nhiêu cánh rừng. Những người chiến sĩ, bộ đội tham gia chiến đấu, còn sống sót trở về, mang tring mình loại hóa chất này, truyền sang con, gây ra những dị tật bẩm sinh cho đứa trẻ và đeo bám chúng cả đời. Có đứa trẻ từ khi sinh ra đã bị khuyết một số bộ phận trên cơ thể, có trường hợp chân, tay bị biến dạng…. trở thành gánh nặng cho gia đình và cho xã hội.
Đó là hai lí do chính gây ra những bệnh tật ở trẻ em. Và ngoài bệnh tật, cũng có không ít trẻ em Việt Nam sống trong cảnh vô gia cư, mồ côi cha mẹ, không được đến trường,… Đó là những thiệt thòi mà có lẽ các em không có quyền được lựa chọn.
Trẻ em Việt Nam phần nhiều vẫn còn phải sống khổ cực, đau đớn mỗi ngày. Các em cần được quan tâm chăm sóc bởi bàn tay người lớn, cha mẹ, gia đình. Mỗi ngày các em vẫn phải chung sống với bệnh tật. Tôi viết bài viết này hi vọng mọi người hãy gìn giữ môi trường sống của chúng ta, đừng có thêm bất kì hành động hủy hoại môi trường nào nữa, và cũng hi vọng trái đất sẽ mãi hòa bình để cho trẻ em Việt Nam nói riêng, toàn thế giới nói chung phần nào bớt đi những trường hợp bị bệnh tật hành hạ. Các em cần được phát triển, khôn lớn. Nhìn thấy các em có cuộc sống tốt đẹp hơn, tôi thấy lòng mình thanh thản nhiều.
Đây là bài dự thi cuộc thi “Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?”. Họ và tên: Nguyễn Thị Mai Hương, Lớp: 10 Văn – THPT Sơn Tây |