Là một thành viên trong dự án “Chăm sóc hỗ trợ toàn diện cho người nhiễm HIV và trẻ OVC” nên cháu cũng được tham gia nhiều hoạt động có ích cùng nhiều bạn nhỏ khác. Nếu cháu có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, cháu muốn thay đổi rất nhiều điều nhưng có hai điều lớn nhất cháu muốn thay đổi. Điều thứ nhất là về học tập, giáo dục của trẻ em. Điều thứ hai là về mái ấm gia đình, bạo lực xảy ra trong gia đình cũng như nhà trường.
Với nhận thức rằng Việt Nam, nước châu Á đầu tiên và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước LHQ về Quyền trẻ em, đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong việc bảo đảm trẻ em được phát huy những quyền chính đáng của mình song vẫn còn nhiều trẻ em Việt Nam phải sống và lớn lên trong những hoàn cảnh khó khăn và rủi ro. Với hoàn cảnh nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần nên các em phải chịu thiệt thòi nhiều thứ mà trong đó quyền được học tập là một trong những thứ quan trọng nhất.
Sinh ra trong đất nước Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn nghèo nàn nên cuộc sống của nhiều trẻ em gặp vô vàn thiếu thốn. Các em vẫn chưa được quan tâm dẫu biết rằng mỗi em là một hạt giống bé bỏng, cần được nâng niu, hưởng quyền lợi đặc biệt. Thật là đáng thương nếu như hoàn cảnh hiện nay của các em không được thay đổi theo hướng tốt hơn. Mong ước sao cho các em được ăn ngon, mặc đẹp hơn và được cắp sách tới trường vì một ngày mai tươi sáng hơn. Những mong muốn này thật bình thường và giản dị nhưng thật lớn đối với trẻ em nghèo Việt Nam.
Cháu nghĩ rằng nhà nước Việt Nam nên xem xét việc phát triển của nền giáo dục để xoá nạn mù chữ cho trẻ em. Mở các lớp dạy tình thương cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các em đi học, giáo dục trẻ em một cách toàn diện nâng cao trình độ học vấn. Người ta thường nói “trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”. Tuổi của các em phải được vui chơi, học tập rèn luyện vì “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. May mắn cho cháu đã được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tình yêu thương, được bảo vệ, che chở và được dạy dỗ học hành mặc dù không được khá giả cho lắm. Nhưng cũng thật tiếc thay cho những bạn trẻ khác có hoàn cảnh trái ngược.
Cháu muốn thay đổi về trách nhiệm của cha mẹ với trẻ em. Bất kì trong gia đình nào khi cha mẹ có trách nhiệm với con cái thì cuộc sống của những đứa trẻ đó sẽ rất hạnh phúc. Trái lại, có những người cha, người mẹ vô trách nhiệm, luôn chối bỏ nhiệm vụ của mình thì những đứa con của họ sẽ rất bất hạnh, bị bỏ rơi, bị đẩy ra đường kiếm sống, đối mặt với hàng loạt nguy cơ về ma tuý, mại dâm, tệ nạn xã hội, bị mất đi quyền được chăm sóc, bảo vệ… Cuộc sống đã lấy đi những cái mà các em cần nhất là một gia đình thì thử hỏi ai không đau khổ?
Cháu muốn người lớn biết trẻ em Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới cũng càn có một gia đình, một gia đình theo đúng nghĩa, có mẹ có cha và có hạnh phúc. Đặc biệt là các em gái đang là nạn nhân trực tiếp và không có khả năng tự bảo vệ trước nạn bạo lực gia đình, bạo lực học đường – những vấn đề đang làm nhức nhối và thách thức trong xã hội Việt Nam hiện nay. Bạo lực gia đình có thể dẫn đến tâm lý lo sợ trước chính gia đình mình.
Có một trường hợp cô gái 18 tuổi bị cha mẹ ép buộc lấy chồng nhưng cô không chịu, vì vậy cha mẹ cô đã đánh đập cô tàn bạo, lấy xăn đổ lên người cô rồi châm lửa. Cô đau đớn, không làm gì được, nỗi sợ hãi cha mẹ trong lòng cô dâng trào. Trong thực tế, còn rất nhiều trường hợp tương tự. Cháu mong những người đã và đang sẽ làm cha mẹ xin hãy yêu thương, chăm sóc và đặc biệt lắng nghe những ý kiến của những đứa trẻ, đừng để chúng sợ hãi, căm thù khi nhìn thấy cha mẹ, người đã sinh ra chúng.
Hiện nay, trên báo chí và truyền hình hay rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác nói rất nhiều về vấn đề bạo lực học đường. Bạo lực học đường đang là một vấn đề trở nên cấp thiết mà mỗi con người chúng ta cần quan tâm đến. Những lí do gây ra bạo lực học đường đều là những lí do không đâu của học sinh nhưng nguyên nhân gián tiếp dẫn đến một phần do sự thiếu quan tâm của cha mẹ tới các em. Bạo lực học đường gây ra rất nhiều hậu quả xấu. Khi bạo lực xảy ra, hiển nhiên mất đi tình bạn bè – một tình bạn trong sáng, lành mạnh. Làm tổn hại đến vật chất và tinh thần của chính những người tham gia bạo lực học đường. Việc tổn hại ấy còn có thể dẫn đến việc tử vong. Đặc biệt hơn cả là bạo lực học đường làm tất cả mọi người xung quanh: bố mẹ, thầy cô, bạn bè lo lắng, thậm chí có người còn xa lánh. Nói tóm lại, trẻ em cần phải được bảo vệ khỏi bạo lực gia đình, bạo lực học đường; được học hành và được sống trong một môi trường thân thiện.
Trẻ em phải được lên tiếng về suy nghĩ và cảm nhận của mình, về điều các em không hài lòng và điều các em mong muốn. Nhưng quan trọng hơn, những tiếng nói đó phải được lắng nghe. Có trẻ em mới có tương lai, mới có một Việt Nam văn minh và giàu đẹp. Cần cho trẻ em những gì tốt nhất và cho nhiều quyền lợi hơn nữa. Cháu mong những điều này sẽ được thay đổi trở nên tốt đẹp hơn bởi cháu cũng là một đứa trẻ của đất nước Việt Nam.
Cháu muốn gửi cho tất cả mọi người lời nhắn nhủ rằng “hãy gửi yêu thương đến người khác thì mới nhận lại sự yêu thương của họ”. Và cháu muốn nói với các trẻ em bất hạnh trên đất nước Việt Nam rằng: “Trong căn phòng kín, cô đơn, lạnh lẽ sẽ có một tia năng ấm áp, mong manh luôn tồn tại”.
Đây là bài dự thi cuộc thi “Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?”. Tác giả: Đỗ Thị Nhã, Lớp 6A2 trường THCS Minh Tân, xã Minh Tân, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng |