Uống trà là thói quen bình thường của nhiều người, kể cả phụ nữ, tuy nhiên khi đang mang thai liệu bạn có tiếp tục duy trì thói quen này và liệu trà có ảnh hưởng tới thai nhi trong bụng? Câu trả lời là: khi đã mang thai, nên hết sức hạn chế dùng thứ đồ uống này.
Theo các nghiên cứu, trong lá trà có 2-5% thành phần caffeine, nếu thường xuyên uống trà, nhất là trà mạn, cơ thể sẽ đạt tới một độ hưng phấn nhất định, song lại làm tăng yếu tố kích thích động thai, thậm chí còn ảnh hưởng tới quá trình phát triển của thai nhi, làm đứa trẻ sinh ra có thể bị nhẹ cân. Mặt khác, trong lá trà còn chứa acid tannic và theophylline, nhất là acid tannic khi kết hợp với nguyên tố sắt sẽ trở thành một hợp chất mà cơ thể khó hấp thu, từ đó khiến thai nhi không hấp thu được chất sắt. Vì vậy, nếu uống nhiều trà đặc sẽ gây ra nguy cơ thiếu máu cho người mẹ, ngay cả thai nhi cũng sẽ bị thiếu máu do thiếu sắt bẩm sinh. Bên cạnh đó, việc thường xuyên uống trà làm tim đập nhanh hơn, đi tiểu nhiều hơn, tuần hoàn máu nhanh hơn, đương nhiên khiến tim và thận vốn đã yếu hơn bình thường của thai phụ phải chịu gánh nặng hơn.
Dù vậy, cũng không thể phủ nhận chất kẽm và vitamin C trong trà là những thành phần có lợi cho thai phụ, nhất là trong việc điều tiết khẩu vị, kích thích nhu cầu ăn. Nếu vẫn muốn giữ thói quen này, nên chú ý: uống trà thật loãng 1 giờ sau bữa ăn, không uống khi bụng rỗng, có thể chọn loại trà tự nhiên, ít gia công.