Một số bậc cha mẹ nghĩ rằng thuốc nhỏ mũi chỉ có tác dụng tại chỗ, không hấp thu vào máu nên đã lạm dụng, đưa đến các tai biến do thuốc nhỏ mũi gây ra. Chính vì thế, cha mẹ của trẻ cần trang bị những kiến thức cơ bản nhất khi sử dụng thuốc nhỏ mũi cho trẻ.
Thuốc nhỏ mũi có hai loại: loại cho tác dụng toàn thân như thuốc viên uống, sẽ hấp thu vào máu để cho tác dụng và loại cho tác dụng tại chỗ hay còn gọi thuốc dùng ngoài, không hấp thu vào máu. Sở dĩ nói “cho tác dụng tại chỗ” vì khi nhỏ (hay xịt) thuốc vào hai lỗ mũi, dược chất không hoặc rất ít hấp thu vào máu để cho tác dụng toàn thân mà chỉ cho tác dụng tại chỗ, trị rối loạn tại vùng mũi xoang.
Điểm mặt thủ phạm gây tai biến
Loại rối loạn thường gặp và làm cho người bệnh chuộng dùng thuốc nhỏ mũi là cảm cúm, cảm lạnh. Cảm cúm, cảm lạnh thường do mầm bệnh là virút gây ra. Đây là rối loạn đa phần không nguy hiểm nhưng khiến người bệnh khó chịu vì làm họ sốt, nhức đầu, ho, đau nhức mình mẩy, đặc biệt sổ mũi, ngứa mũi, nhảy mũi, nước mũi chảy ràn rụa hoặc nghẹt mũi. Người bệnh thường dùng thuốc nhỏ mũi để cải thiện các rối loạn này.
Thuốc nhỏ mũi đầu tiên cần kể và được cho là nên dùng ở mọi đối tượng, kể cả trẻ nhỏ và phụ nữ có thai, đó là dung dịch natri clorid 0,9% (dung dịch NaCl 0,9%), còn gọi “nước muối sinh lý”, sử dụng nhỏ mũi và nhỏ cả mắt. Khi mới sổ mũi, nghẹt mũi… dùng dung dịch natri clorid 0,9% (có thể mua tại nhà thuốc) có thể giúp thông mũi, dễ hỉ mũi.
Loại thuốc nhỏ mũi phải dùng rất thận trọng chính là thuốc chứa dược chất có tác dụng làm co mạch, chống sung huyết tại niêm mạc mũi. Ta cần biết, sổ mũi, nghẹt mũi là do ở niêm mạc mũi rối loạn, như dị ứng gây dãn mạch, tiết dịch và có hiện tượng sung huyết. Vì thế, khi dùng thuốc nhỏ mũi chứa dược chất có tác dụng cường giao cảm thần kinh (hay trực giao cảm thần kinh) như naphazolin (biệt dược Nasoline, Rhinex 0,05%), oxymetazolin, xylometazolin… sẽ làm co mạch và giảm sung huyết ở niêm mạc mũi, nước mũi hết chảy ràn rụa. Người bệnh được như thế rất thích. Tuy nhiên chính tác dụng cường giao cảm thần kinh của thuốc lại có thể gây nguy hại cho một số người. Đối với trẻ nhỏ, sơ sinh, nhũ nhi, tác dụng gây co mạch không chỉ khu trú ở niêm mạc mũi mà gây co mạch toàn thân, tức co mạch ở cả tim, gan, thận… đưa đến tai biến, người tím tái, vã mồ hôi, choáng…, phải nhập viện cấp cứu ngay. Đặc biệt, thuốc nhỏ mũi co mạch, chống sung huyết dùng lâu dài còn có thể gây hiện tượng “bật lại” (rebound), tức lúc đầu làm hết sổ mũi, nghẹt mũi nhưng sau đó gây nghẹt mũi trở lại, làm viêm mạn tính niêm mạc mũi, rất khó trị. Nói cách khác, chính thuốc nhỏ mũi loại này gây ra một loại bệnh gọi là “bệnh viêm mũi do thuốc” mà việc điều trị sẽ rất khó khăn.
Không tự ý dùng thuốc nhỏ mũi
Những trình bày ở trên cho thấy, thuốc nhỏ mũi mặc dù cho tác dụng tại chỗ nhưng phải rất thận trọng. Không phải cứ nhỏ mũi bừa bãi là được. Thuốc nhỏ mũi tương đối vô hại là dung dịch NaCl 0,9%. Xin nhấn mạnh, trẻ nhỏ, nhũ nhi, sơ sinh, phụ nữ có thai hoặc người lớn, nếu cần nhỏ mũi thường xuyên nên dùng dung dịch natri clorid 0,9%. Còn thuốc nhỏ mũi chứa dược chất gây co mạch, chống sung huyết, tuyệt đối không dùng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là sơ sinh, nhũ nhi. Với người lớn, cũng chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi chứa dược chất gây co mạch, chống sung huyết trong thời gian ngắn, không quá năm ngày. Nếu sổ mũi, nghẹt mũi tiếp tục thì nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám và điều trị. Cũng vì tác dụng cường giao cảm thần kinh gây co mạch mà các bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp hay phụ nữ có thai và cho con bú phải rất thận trọng, chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này khi được bác sĩ chỉ định, không tự ý sử dụng.
Nên lưu ý, rối loạn về mũi không chỉ là triệu chứng của cảm cúm, cảm lạnh mà là khởi đầu của viêm mũi dị ứng, viêm xoang… rất cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị tốt ngay từ đầu để không bị bất lợi về sau.
vu thi phuong đã bình luận
chao Bac si !
Hien chau nha em duoc 3 thang tuoi. may tuan nay chau bi so mui hat hoi em da nho nuoc muoi sinh ly. moi khi chau quay khoc la nuoc mat, nuoc mui lai chay nhung chi la nuoc trong thoi. khi bu hay ngu em thay chau tho khong duoc thong thoang lam. Nhu vay co phai la chau bi so mui keo dai ko ah. Mong Bac si tu van gium em cach dieu tri cho chau. Em cam on nhieu!
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bé bị lạnh có thể viêm mũi họng, bạn nên đưa bé đi khám nếu chảy nhiều nước mũi và có dấu hiệu khò khè. Chú ý thay áo cho bé thường xuyên hoặc đặt 1 khăn vải xô nhiều lớp vào lưng bé, khi thấm mồ hôi thì thay cái khác dễ hơn thay áo.