Hiện tượng thai ngoài tử cung (hay còn gọi là thai lạc vị) xảy ra khi tế bào trứng đã được thụ tinh làm tổ và bám vào một nơi bên ngoài khoang tử cung thay vì phải nằm bên trong để được nuôi dưỡng và phát triển thành một thai nhi bình thường. Hầu hết các phụ nữ gặp phải hiện tượng này đều phải làm phẫu thuật hoặc điều trị bằng thuốc tiêu thai.
Quá trình thụ thai diễn ra bình thường cho đến khi phôi thai lớn thêm phình ra và làm vỡ các mô lẫn tổ chức xung quanh, gây đau bụng và ra máu. Tình trạng này thường xảy đến vào tuần thứ 6 đến tuần thứ 8 của thai kỳ. Lúc này, vòi trứng không thể phình thêm để chứa phôi thai được nữa buộc hoặc nó tự động đào thải hoặc gây tổn thương cho vòi trứng và tính mạng thai phụ.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, tế bào trứng bám vào một trong hai bên buồng trứng, cổ tử cung hay một cơ quan khác bên trong vùng chậu. Thai ngoài tử cung thường không sống được và trong đa số trường hợp, phôi sẽ không phát triển và tự động bị sẩy.
Các biểu hiện và triệu chứng thường gặp nhất của thai ngoài tử cung là:
- Trễ kinh (biểu hiện có thai)
- Chảy máu âm đạo
- Thử thai dương tính
- Đau vùng bụng dưới
- Ngất xỉu, choáng váng
Ban đầu, thai ngoài tử cung phát triển như thai bình thường, cũng xuất hiện những triệu chứng ốm nghén như buồn nôn, đau ngực. Tuy nhiên, một vài phụ nữ không gặp triệu chứng này nên họ không hề biết mình đang mang thai. Xuất huyết âm đạo có thể dao động từ dịch màu nâu nhạt cho đến dạng như kinh nguyệt thông thường.
Hãy lưu ý nếu bạn đang có thai nhưng luôn tồn tại cảm giác đau nhói âm ỉ ở một bên bụng dưới, hoặc nếu bị đau thắt đột ngột thì nên đi khám ngay. Điều này rất quan trọng vì thai ngoài tử cung có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu thai bị vỡ ra gây xuất huyết nội.
Vì sao hiện tượng thai ngoài tử cung lại xảy ra?
Ở những trường hợp mang thai bình thường, trứng sẽ được thụ tinh trong vòi trứng Fallope, sau đó được đưa vào trong tử cung và kết dính ở đó. Đây được gọi là quá trình làm tổ. Sự di chuyển này được thực hiện nhờ các tua nhỏ bên trong vòi Fallope giúp đẩy trứng đã thụ tinh đi. Với trường hợp có thai ngoài tử cung là do thai phụ có những bất thường hoặc sự tổn thương các tua nhỏ bên trong bòi Fallope khiến khi trứng được thụ tinh, không được hỗ trợ tốt nên không đi vào đến tổ của mình chính là tử cung mà “ở lại” vòi trứng.
Nguy cơ làm tăng khả năng thai ngoài tử cung
– Đã từng phẫu thuật hay sưng viêm vòi Fallope (bệnh viêm vùng chậu). Do thành vòi Fallope rất mỏng manh nên viêm nhiễm hay tổn thương có thể khiến cho các tua chuyển động bất thường, dẫn đến việc tế bào trứng đã thụ tinh làm tổ ở sai vị trí.
– Đã có tiền sử mang thai ngoài tử cung trước đây thì khả năng lặp lại hiện tượng này ở cả hai vòi trứng đều tăng lên.
– Có thai khi đang đặt vòng tránh thai hoặc dùng thuốc tránh thai chỉ chứa progestogen.
– Có thai nhờ phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm. Khi sử dụng phương pháp này để trị vô sinh, một hay nhiều trứng được đưa vào trong tử cung. Tuy đã được cấy vào bên trong tử cung, trứng vẫn có thể bám vào sai chỗ ở bên ngoài.
Tuy vậy, rất nhiều phụ nữ không mang các nguy cơ này vẫn có thể bị thai ngoài tử cung.
Chẩn đoán thai ngoài tử cung bằng cách nào?
– Xét nghiệm có thai bằng cách thử nước tiểu có thể ít nhiều thiếu chính xác. Nếu có nghi ngờ có thể xét nghiệm máu để chẩn đoán, cách này luôn chính xác đối với việc kiểm tra thai ngoài tử cung
– Trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, tử cung thường sẽ nhỏ hơn dự kiến so với số tuần của thai kỳ tính từ kỳ kinh cuối của thai phụ, và có thể kiểm tra bằng siêu âm bên trong khung chậu, lúc này bác sĩ có thể cảm thấy một chỗ sưng phù lên, đó chính là dấu hiệu có sự tồn tại của một thai lạc vị.
– Siêu âm sẽ giúp bác sĩ phân biệt giữa các khả năng sẩy thai, thai ngoài tử cung hay thai phát triển bình thường trong tử cung.
– Những xét nghiệm khác tùy thuộc vào triệu chứng của thai phụ, kết quả siêu âm và lượng hormone thai nghén (HCG) trong máu. Thông thường bạn nên đợi sau 48 giờ để đo lại mức HCG nếu chưa thực sự tin vào kết quả ban đầu.
Cách điều trị thai ngoài tử cung
– Nếu nghi ngờ thai ngoài tử cung, bác sĩ phụ khoa sẽ tiến hành nội soi để khẳng định chắc chắn.
– Nội soi được tiến hành thông qua một vết cắt nhỏ trên thành bụng. Thông thường thai ngoài tử cung sẽ được cắt bỏ theo cách này.
– Ống dẫn trứng Fallope xảy ra hiện tượng thai ngoài tử cung thường sẽ bị cắt bỏ luôn vào lúc đó (tuy không phải trong mọi trường hợp). Tuy nhiên, đôi khi cần phải tiến hành phẫu thuật và phôi thai sẽ được loại bỏ thông qua một vết cắt lớn hơn phía trên vùng mu. Người ta thường chọn cách này nếu có trục trặc kỹ thuật xảy ra trong quá trình nội soi, hoặc nếu khó kiểm soát được xuất huyết nội trong khoang bụng.
– Một cách điều trị thay thế phẫu thuật là loại thuốc có tên gọi Methotrexate (Maxtrex), có tác dụng giảm sự phát triển tế bào trong phôi thai ngoài tử cung (công dụng bất hợp pháp). Nhờ vậy, phôi thai sẽ teo lại và cuối cùng biến mất. Mặt tốt khi sử dụng Methotrexate là không cần phẫu thuật, tuy nhiên tỉ lệ thành công kém hơn. Đôi khi cần áp dụng cả 2 cách phẫu thuật và uống thuốc.
– Một giải pháp nữa là phải cắt bỏ vòi trứng để không gây nhiễm trùng cơ quan sinh sản. Có khá nhiều thai phụ buộc phải cắt bỏ 2 bên vòi trứng, như thế việc thụ thai sẽ không thể diễn ra được nữa. Một số người nếu vòi trứng không quá tổn thương nghiêm trọng sẽ được phẫu thuật nối lại vòi trứng, lúc này cơ hội mang thai sẽ được tăng lên.
Khả năng có thai trong tương lai
Khả năng có thai trong tương lai phụ thuộc vào một số yếu tố, đặc biệt vào việc vòi trứng Fallope còn lại có bình thường hay không. Nếu cắt 1 vòi thì xác suất thụ thai chỉ còn 50% nhưng còn tùy thuộc vào thể trạng và việc loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn khác nữa.
Thông thường, sau một lần có thai ngoài tử cung, 20% số phụ nữ sẽ lặp lại hiện tượng này, 30% sẽ không có thai lần nữa và 50% sẽ mang thai bình thường bên trong tử cung. Do đó thai phụ sau sự cố thai lạc vị nên nghỉ ngơi khoảng 3-6 tháng để ổn định sức khỏe trước khi sẵn sàng mang thai trở lại.