Các bậc cha mẹ thường quan tâm tới việc mua đồ chơi để trẻ phát triển nhưng lại không chú ý đến việc cất giữ chúng khoa học và an toàn. Bạn hãy tham khảo một vài ý kiến dưới đây để có thể chắc chắn rằng đồ chơi sẽ không thành một mối nguy hiểm đối với con trẻ của bạn.
Cất đồ chơi theo lứa tuổi
Một món đồ chơi dành cho trẻ lớn nên được cất xa khỏi tầm với của những em bé nhỏ tò mò, hiếu động.
Cất đồ chơi gọn gàng trên kệ hay trong thùng
Đồ chơi luôn cần được cất giữ gọn gàng, không bày bừa trên sàn để tránh bị đạp phải; và muốn được như vậy, bạn cần giúp đỡ con. Hãy phân loại đồ chơi một cách logic – các khối hộp để riêng, búp bê để riêng… sau đó dán nhãn lên thùng (hoặc dán hình vẽ mô tả đối với trẻ nhỏ chưa biết đọc) để con nhớ và biết được ngay.
Chọn thùng đựng thông minh
Thùng đựng đồ chơi an toàn nhất là thùng không có nắp đậy; hoặc nếu có nắp đậy, hãy bảo đảm nó đủ bền và cứng cáp, có bản lề và khóa an toàn. Hãy tìm loại thùng có cạnh nhẵn mịn, có lỗ thông gió để con vẫn có thể thở được nếu chẳng may bị kẹt ở bên trong.
Không cất đồ trong bao bì cũ
Không bao giờ cất đồ chơi trong những bao bì cũ của nó vì đinh kẹp có thể đâm vào người con, và các lớp giấy bọc bên ngoài có thể khiến con bị ngạt hay nghẹt thở.
Kiểm tra đồ chơi của con thường xuyên
Tránh để đồ chơi biến thành thứ gây hại cho con bằng cách kiểm tra xem chúng có bị nứt, vỡ, có bị lỏng và tuột các chi tiết nhỏ ra hay không, các món đồ chơi bằng gỗ có bị xước dằm không…
Thay sủa những món đồ chơi bị hư hỏng, gãy vỡ
Những phần bị gãy vỡ có thể rời ra và trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng cho trẻ nhỏ, nhất là những bé chưa nhận thức được đầy đủ và “bạ cái gì cũng cho vào mồm”.
Tránh để đồ chơi kim loại bị rỉ sét
Không để đồ chơi kim loại ở ngoài trời vì mưa gió, sương khuya có thể làm đồ chơi bị rỉ sét; nếu con bạn vô tình bị thương vì những món đồ rỉ sét này, bé có thể nhiễm phải vi trùng uốn ván nguy hiểm.