Đối với trẻ em, sau 9 tháng miệt mài học tập, hè là mùa để “nghỉ xả hơi”, để cùng bạn bè vui chơi giải trí. Nhưng các bậc phụ huynh lại lo lắng không biết cho con làm gì, chơi gì trong thời gian trẻ được nghỉ. Sau đây là một số gợi ý để cha mẹ tham khảo:
Cho trẻ học thể thao
Những môn thể thao: Đá bóng, cờ vua, đá cầu.. đều rèn luyện cho trẻ khỏe khoắn, nhanh nhẹn và hứng khởi.
Tập luyện thường xuyên và đều đặn mỗi ngày 20-30 phút, mỗi tuần ít nhất từ 3-4 lần sẽ giúp trẻ cảm thấy sức khỏe được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trẻ cần tránh tập nặng hoặc tập luyện kéo dài khiến cơ thể mất nước và suy giảm thể lực.
Cho trẻ tham gia sinh hoạt hè với các lớp năng khiếu
Cả năm học văn hóa, hè đến là dịp để bạn tạo điều kiện cho trẻ phát huy khả năng về các môn năng khiếu, vừa là tiếp thu kiến thức, vừa là cách để trẻ thư giãn. Vẽ, ca múa, đàn, nấu ăn…
Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng thích tham gia vào các lớp như vậy, do đó, bạn nên hỏi ý kiến trẻ, quan tâm đến khả năng và sở thích của trẻ. Khi lên bậc tiểu học, trẻ bắt đầu thích thể hiện mình và đã có sự phân biệt giới tính, bé gái sẽ quan tâm đến các lớp hát, múa, thời trang, kịch hay rèn luyện hình thể bằng dancesport, thể dục nghệ thuật… còn những em nam thường say mê các môn thể thao như bóng đá, cầu lông, bơi, hay cờ vua, cờ tướng…
Việc cho trẻ tham gia một hoạt động ngoại khóa không nên chỉ nhất thời vài buổi hoặc trong kỳ nghỉ hè mà hãy để nó trở thành một hoạt động thường xuyên, giúp trẻ cân bằng giữa vui chơi với học tập.
Dạy trẻ làm việc nhà
Chính từ những việc nhà, trẻ có thể tìm thấy niềm vui và nghỉ hè chính là khoảng thời gian lý tưởng để bạn dạy con mình làm việc nhà.
Từ việc đơn giản đến phức tạp, từ việc nhỏ đến lớn, trẻ sẽ làm quen dần và trở nên thành thạo với những công việc mà bình thường chúng ít quan tâm. Tùy theo lứa tuổi và tình trạng sức khỏe của mỗi trẻ mà bạn cho con làm những việc phù hợp.
Cho trẻ về quê với ông bà
Khi về quê, trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên, hòa mình với cỏ cây, muông thú, biết yêu cái nơi mà cha mẹ đã sinh ra … Cho trẻ về với thiên nhiên từ nhỏ và có sự dẫn dắt của người lớn, trẻ sẽ phát triển ý thức và quan tâm đến môi trường sống. Mặt khác, chính môi trường thiên nhiên trong lành cũng góp phần quan trọng cho sự phát triển sức khỏe của trẻ.
Trước khi về quê, bạn cần chuẩn bị kỹ tâm lý cho con bằng cách giảng giải cụ thể rằng, quê ở đâu? Ở quê mình có gì đẹp? Những lần về quê trước, con từng được chơi những gì, với ai? Cha mè hãy gợi ra tên người thân và các trò chơi mà con rất yêu quý để tăng niềm háo hức cho chúng.
Cho trẻ đi du lịch/nghỉ mát cùng cơ quan bố mẹ
Mùa hè đến, các cơ quan đều có kế hoạch tổ chức cho cán bộ nhân viên đi nghỉ mát. Đây cũng là một trong những chương trình được trẻ mong đợi và hưởng ứng nhiệt tình.
Lưu ý
Trong dịp hè, bố mẹ không nên bắt con phải học thêm các môn văn hóa quá nhiều. Quan trọng hơn, hãy giúp trẻ rèn ý thức tự học, để các em có thể tự ôn tập trong sách giáo khoa, qua truyền hình hay Internet… Với các em có sức học quá yếu thì có thể học thêm nhưng cũng chỉ ở mức độ vừa phải, bởi việc nhồi nhét bắt con phải “bứt phá” sau kỳ nghỉ hè chỉ phản tác dụng.
Ngoài ra, trong thời gian này, bạn hãy giúp trẻ giữ nếp sinh hoạt như ngày thường, chẳng hạn giờ giấc ăn, ngủ, thức dậy vẫn như trong năm học, chỉ có điều thay vì buổi tối trẻ phải ngồi học bài thì có thể đọc sách, vui chơi…