Đối với trẻ nhỏ, việc xoa bóp hàng ngày không chỉ làm tăng tình cảm giữa hai mẹ con mà nó còn có thể thúc đẩy sự phát triển cũng như làm tăng sức đề kháng cho bé yêu nữa.
Điều kiện để tiến hành xoa bóp
Khi xoa bóp cho bé phải ở trong môi trường ấm áp, bé được đặt nằm thoải mái. Không được xoa bóp lúc bé đang đói hay vừa ăn no xong. Hai tay của người xoa bóp phải ấm, nhẵn, móng tay cắt ngắn, không đeo nhẫn để tránh làm tổn thương da của bé. Có thể bôi một chút dầu dưỡng da trẻ em ra lòng bàn tay.
Tình yêu thương của người xoa bóp đối với bé là rất quan trọng, vừa xoa bóp vừa nhẹ nhàng nói chuyện hoặc có thể mở những bản nhạc nhẹ nhàng cho bé nghe.
Thủ pháp phải bắt đầu từ nhẹ nhàng, sau đó mạnh dần lên, nhất thiết không được để bé cảm thấy khó chịu, chú ý không nên dùng lực quá mạnh cũng không nên quá nhẹ. Thứ tự xoa từ đầu xuống mặt, cổ, ngực, bụng, tứ chi rồi ra sau lưng. Khi mới bắt đầu, mỗi lần xoa bóp cho bé chừng 5 phút, sau đó tăng dần lên 15 – 20 phút, mỗi ngày 2 lần.
Xoa bóp không phải là một thao tác cơ giới mà là sự giao lưu tình cảm mẹ con, cùng với việc xoa bóp cho bé, da tay người mẹ cũng sẽ cảm nhận được những kích thích từ làn da mỏng manh của bé.
Ý nghĩa của việc xoa bóp
Xoa bóp có thể thúc đẩy sự phát triển của bé:
Kiểm tra 42 ngày sau khi sinh thấy thể trọng, chiều dài cơ thể, vòng đầu của những đứa trẻ được xoa bóp tăng lên rõ rệt so với những trẻ không được xoa bóp.
Trong quá trình xoa bóp, giữa người mẹ và đứa trẻ sẽ có sự giao lưu bằng ánh mắt, người mẹ thường thông qua giọng nói dịu dàng hoặc âm nhạc du dương để trò chuyện với con, việc này có thể thúc đẩy hệ thần kinh của trẻ phát triển. Qua quan sát lâu dài, người ta đã phát hiện thấy khả năng vận động (như nhấc đầu, lật người) của những đứa trẻ được xoa bóp ngay từ khi mới sinh phát triển sớm hơn so với những đứa trẻ không được xoa bóp, năng lực thích ứng với môi trường xung quanh (như làm quen, khóc, bập bẹ tự nói) cũng phát triển nhanh hơn so với những đứa trẻ không được xoa bóp.
Xoa bóp làm gia tăng sức đề kháng của trẻ:
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc xoa bóp có thể nâng cao sức miễn dịch, gia tăng các vật chất miễn dịch trong cơ thể cho bé. Ngày nay, xoa bóp đã được dùng như một biện pháp chăm sóc trẻ có bệnh. Với những trẻ có chứng thở khò khè, sau 20 phút xoa bóp, bệnh tình đã có phần thuyên giảm, trạng thái tinh thần cũng được ổn định theo.
Theo quan sát, sau khi được xoa bóp bé sẽ ngủ rất ngon, tỉnh dậy cũng không khóc mà rất ngoan. Những bé ngủ không ngon sau khi được xoa bóp sẽ ngủ sâu và yên.
Các động tác xoa bóp
Xoa bóp cánh tay:
Đặt bé nằm ngửa, ngón tay cái bàn tay trái của mẹ đặt giữa lòng bàn tay trái của bé, các ngón tay kia nắm nhẹ lấy tay bé. Dùng tay phải xoa nhẹ, chậm từ cổ tay cho đến vai bé. Cũng làm như vậy với tay bên phải của bé, mỗi bên làm 6 – 8 lần.
Xoa bóp chân:
Đặt bé nằm ngửa, tay trái của mẹ nắm nhẹ gót chân phải của bé. Ba ngón tay cái, trỏ, giữa của tay phải mẹ làm thành một vòng tròn xoay dần từ gót chân lên tới đầu gối bé, làm 5 – 6 lần như vậy, sau đó chuyển sang chân kia.
Xoa lưng:
Đặt bé nằm sấp, tay trái của mẹ nắm lấy chân bé, dùng mu bàn tay phải của mẹ xoa nhẹ nhàng từ mông lên tới cổ bé. Hoặc có thể dùng ngón trỏ và ngón cái của hai tay véo nhẹ lên da từ mông lên đến cổ bé dọc theo sống lưng, làm 6 – 8 lần.
Xoa bàn chân:
Đặt bé nằm ngửa, tay trái của mẹ nắm lấy gót chân phải của bé, tay phải của mẹ xoa nhẹ từ gót chân lên đến bụng chân bé 5 – 6 lần, sau đó lại xoa từ cổ chân lên đến đầu gối bé 5 – 6 lần. Đổi tay và xoa chân kia cũng như vậy.
Da che phủ toàn thân, là cơ quan lớn nhất và cũng là cơ quan cảm giác quan trọng nhất trong cơ thể con người. Da chứa hơn 5 triệu tế bào cảm giác, nó có thể tiếp nhận rất nhiều loại kích thích từ bên ngoài, ví dụ như cảm giác về nhiệt độ, cảm giác đau… Những cảm giác này sau khi được truyền đến hệ thống trung khu thần kinh sẽ tạo ra phản ứng, thông qua thần kinh và dịch thể để có sự trả lời. Trong thời kỳ từ tháng mang thai thứ 6 cho đến khi 2 tuổi, hệ thần kinh phát triển rất nhanh, những kích thích này sẽ thúc đẩy sự phát triển của hệ thần kinh. Nhưng những kích thích ác tính như lạnh, đau sẽ gây tác dụng ngược.
lâm văn tân đã bình luận
chào MYC ?
Bé gái được 1 tháng 20 ngày tuổi thường khi bú mẹ bị ọc( ối) sữa ra hoài? mong MYC tư vấn cách trị này?
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Sau khi bú mẹ nên bế thẳng đứng ấp mặt bé vào vai vỗ lưng cho thoát khí do nuốt phải trong quá trình bú (có bé còn ợ được hơi ra), sau 15 pút đặt bé nằm nghiêng đầu. Kiểm tra lại cách ngậm vú khi bú, bé há to miệng ngậm sâu đến tận gần hết hoặc hết quầng vú mới không bị nuốt không khí khi bú. Có thể do yếu cơ thắt tâm vị dạ dày nên ăn no quá sẽ trớ, vì vậy không nên ăn no quá, nhưng khoảng cách giữa 2 bữa gần nhau hơn 1 chút, sau ăn vẫn nên bế 15-20 phút. Mẹ nên uống Obimin để bổ sung vi chất cho cả 2 mẹ con trong đó vitamin nhóm B có tác dụng tăng trương lực cơ.