Tập nói là giai đoạn đánh dấu sự phát triển hoàn thiện về giao tiếp của bé. Đây là thời gian đòi hỏi ở bố mẹ sự kiên trì khi dạy con học nói. Để giúp bé học nói nhanh hơn bố mẹ nên dành thời gian để chơi cùng bé, xem sách với bé, đọc cho bé nghe, trò chuyện nhiều và luôn khuyến khích mỗi khi bé nói.
Sự phát triển ngôn ngữ của bé
Các phụ âm
Nhìn chung, trẻ có thể phát âm những âm tương ứng với lứa tuổi nêu trong bảng dưới đây. Khi trẻ không phát âm được các âm này thì có thể bé đang gặp khó khăn khi nghe. Trong trường hợp này, bạn nên báo cho bác sĩ biết. Tật lưỡi ngắn và dính vào sàn miệng (do thắng lưỡi ngắn) được cho là nguyên nhân của nhiều rối loạn phát âm. Tuy nhiên, nhiều bé bị dị tật này vẫn không hề gặp khó khăn khi học nói.
Phát âm sai
Bé phát âm sai một vài từ là điều bình thường. Lúc 18 tháng tuổi, bé có thể nhận ra được sự khác nhau giữa âm “b” và “p”. Lúc 2 tuổi, có thể bé còn phát âm sai phụ âm: “r” trong một thời gian khá dài. Bé có thể tự đổi cách phát âm một số từ, nhất là đối với các từ khó, chẳng hạn, ” bầu trời” được bé nói là “bầu chời”.
Giúp bé tập nói
Vấn đề không nằm ở chỗ bạn dành cho bé bao nhiêu thời gian mà là ở cách bạn chơi với bé:
Khi trò chuyện với bé, cần giữ ánh mắt tiếp xúc thường xuyên với bé. Điều này nhằm cải thiện khả năng nghe, hiểu của bé và giúp bé tăng cường kỹ năng giao tiếp. Đây là điều hết sức quan trọng đối với tất cả trẻ con, đặc biệt đối với trẻ sinh đôi thì ý nghĩa của nó còn được nhân lên, vì nếu không giữ ánh mắt tiếp xúc, bé sẽ không hiểu bạn đang nói với ai trong hai anh – em (hay chị – em) của bé.
Nên trò chuyện với bé về mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày. Theo thời gian, bé sẽ đáp ứng lại ngày càng nhiều hơn, nhờ đó sẽ gia tăng kinh nghiệm và khả năng của bé.
Thay đổi âm sắc và thể hiện bằng điệu bộ, cử chỉ để làm rõ điều bạn muốn nói, giúp bé hiểu rõ hơn ý của bạn.
Khi làm điều gì bạn nên nói cho bé biết đúng như vậy. Chẳng hạn, khi cho bé tắm thì bạn nói với bé là đi tắm, đừng nói là đi vọc nước, vì như thế bé sẽ lẫn lộn giữa hai việc này.
Nên khuyến khích tối đa mỗi khi bé trò chuyện với bạn, khi bé chỉ trỏ hay đưa cho bạn vật gì đấy.
Tránh việc sửa cách phát âm của bé một cách rõ ràng quá. Hãy trả lời lại và khéo léo sửa sai giúp bé. Chặng hạn, khi bé nói “thùng sữa”, bạn có thể hỏi lại là “Con muốn nói bình sữa này phải không?”.
Những cách phát âm sai của bé dù dễ thương và độc đáo đến đâu, thì bạn cũng không nên giả vờ nói sai theo bé, vì như thế sẽ khiến cho việc nói sai của bé kéo dài thêm. Tuy nhiên, trong một số gia đình, người ta vẫn thích những từ là lạ do bé nói ra, và dùng những từ này trong một thời gian dài mà không gây tác hại nào cho bé cả.
Nên giúp bé gia tăng vốn từ bằng cách mở rộng những gì bé nói. Chẳng hạn, khi bé chỉ xuống sàn nhà, nơi con mèo đang ăn thức ăn, và nói “con mèo”, bạn có thể nói tiếp ý của bé rằng “Ừ! Con mèo đang ăn. Đố con biết con mèo có đói lắm không?”.
Cùng chơi với bé những trò chơi đơn giản. Các trò chơi này sẽ dạy cho bé biết “luật chơi” cơ bản là phải đến lượt của mình thì mới được chơi, tương tự như khi trò chuyện thì bé cũng phải biết chờ đến lượt mình mới được nói. Trò chơi giấu tìm, giúp bé hiểu thêm được khá nhiều khái niệm. Bạn hãy để cho bé nhìn và sờ thật kỹ vào một đồ vật bất kỳ, sau đó giấu đồ vật ấy đi để cho bé tìm. Nên giấu sao cho bé dễ dàng tìm thấy nhất.
Nên dành nhiều thời gian để cùng xem sách và truyện tranh với bé, cũng như kể cho bé nghe những câu chuyện đơn giản. Đối với bé, tốt nhất là xem đi xem lại một quyển sách nào đó, mặc dù đối với bạn việc này thật nhàm chán!
Hát cho bé nghe những bài đồng dao, hát ru… Như thế sẽ giúp bé làm quen với các giai điệu và âm thanh của tiếng nói. Lý tưởng nhất là bạn nên hát cho bé nghe thay vì mở đĩa CD. Bạn có thể múa bằng cả tay, chân hoặc nhún nhảy cho bé xem. Bé sẽ thích, đồng thời sẽ “hiểu” nhiều hơn.