Kiên trì và nhẫn nại là đức tính quý báu ở con người, nhưng với trẻ em thì rèn luyện đức tính này không đơn giản vì trẻ chóng chán và dễ thay đổi. Do đó, cha mẹ hãy là người thầy, người bạn giúp con rèn luyện những đức tính này.
Cha mẹ hãy nhẫn nại
Muốn rèn luyện cho con tính kiên trì, nhẫn nại thì trước tiên cha mẹ phải là tấm gương về những đức tính này. Nếu thấy cha mẹ hay nôn nóng, trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng thiếu tính nhẫn nại khi trưởng thành.
Không nên làm giúp trẻ mọi việc
Vì sợ con không biết làm, hoặc sợ con vất vả nên cha mẹ lúc nào cũng muốn làm giúp trẻ mọi việc. Điều này sẽ dẫn đến việc trẻ luôn ỷ lại vào người khác và sẽ không biết làm gì. Vì vậy, cha mẹ không nên làm giúp con mọi việc mà hãy để con tự làm những việc mà trẻ yêu thích. Hãy để trẻ có cơ hội được tìm tòi, học hỏi và kiên trì theo đuổi một công việc yêu thích nào đó. Nếu thấy trẻ làm chậm, hoặc không làm được thì cũng không nên giúp đỡ trẻ ngay.
Để con tự làm một số việc khó
Khi con đã làm được những việc đơn giản rồi thì bạn nên tiếp tục (hoặc cố ý) để con làm một số việc khó hơn đối. Nếu trẻ không làm được hoặc tỏ ra chán nản thì bạn cần động viên, khích lệ kịp thời và giải thích để trẻ hiểu rằng nếu kiên trì làm một việc nào đó thì sẽ đem lại thành công.
Cho trẻ chơi đồ chơi thông minh
Hãy cho con chơi những đồ chơi thông minh như: xếp hình, tô màu… với mức độ từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp để con vừa rèn luyện tính nhẫn nại, vừa phát triển khả năng sáng tạo và có hứng thú mỗi khi thành công trong một giai đoạn.
Hãy giúp trẻ tự biết đặt ra mục tiêu
Cha mẹ nên giúp trẻ tự đặt ra mục tiêu trong phạm vi và khả năng của mình bằng cách, hãy để trẻ tự nói ra và lặp đi lặp lại mục tiêu của mình. Bằng cách này trẻ sẽ ngầm hiểu rằng, lời nói của mình giống như một lời hứa, từ đó thúc đẩy trẻ phát triển tính kiên trì. Nếu trẻ đạt mục tiêu, cha mẹ nên thưởng cho trẻ để khuyến khích trẻ tích cực hơn ở những lần sau.
Vì sao cần phải rèn tính kiên trì, nhẫn nại cho trẻ?
Kiên trì, nhẫn nại là những đức tính cần thiết đối với mỗi thành công của con người kể từ nhỏ và người lớn. Vì vậy, cha mẹ cần sớm phát hiện những biểu hiện của việc thiếu tính kiên trì, nhẫn nại dưới đây để rèn luyện cho trẻ:
– Tính tình dễ bị kích động, nóng nảy, không ý thức được mục đích của việc mình làm.
– Lúc ăn thường nghịch nghợm.
– Lúc xem tivi hay đứng lên, ngồi xuống.
– Không kiên trì chơi một đồ chơi nào, lúc cầm cái này lúc lại lấy cái kia.
– Thường cắn móng tay.
– Thần kinh mẫn cảm, thường xảy ra lo lắng.
– Thường làm những việc không phù hợp với lứa tuổi.
– Thường hiếu động, hay gây gổ.
– Thường làm vỡ đồ chơi của bạn bè hoặc đồ đạc trong nhà.
– Không hòa đồng với bạn bè, hay nói bậy.
– Thường không suy nghĩ khi chơi một trò chơi trí tuệ nào đó, hay gây rắc rối.
– Không vừa ý việc gì liền la khóc.
Tác hại của sự thiếu kiên trì, nhẫn nại ở trẻ
– Trẻ thiếu kiên trì, nhẫn nại sẽ không có ý chí vươn lên, tinh thần khắc phục khó khăn và năng lực làm việc kém. Trẻ không có sự sáng tạo, ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ sau này.
– Khả năng phản xạ kém, nhu nhược, thường cảm thấy bất ổn về tinh thần, ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách, lớn dễ mắc bệnh về thần kinh.
– Trẻ thiếu kiên nhẫn sẽ luôn ỷ lại vào cha mẹ, làm việc gì cũng không đến cùng và thường bỏ dở.