Chậm chạp, lề mề có thể là đặc điểm bẩm sinh của trẻ nhưng phần lớn là do được hình thành trong cuộc sống của trẻ; do cách giáo dục chưa đúng cách của cha mẹ. Thói quen này không chỉ khiến cha mẹ và mọi người cảm thấy sốt ruột, khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ sau này. Vì vậy, ngay từ nhỏ cha mẹ cần kịp thời phát hiện, uốn nắn và chỉnh sửa để trẻ từ bỏ thói quen này.
Nguyên nhân dẫn đến thói quen lề mề của trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thói quen lề mề, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân sau gây nên:
– Một là: Trẻ có tính chậm chạp bẩm sinh do những đặc điểm về thể chất, khí chất của trẻ như: trẻ có hệ thần kinh không tốt, hệ xương và cơ yếu… Trẻ nhỏ còn đang phát triển các đặc điểm thể chất chưa hoàn thiện nên thường lóng ngóng, chậm chạp, lề mề khi làm mọi việc.
-Hai là: Thiếu hứng thú, đứng trước những việc bản thân ưa thích, trẻ sẽ hành động rất nhanh, còn với những việc không ưa thích thì trẻ lại dềnh dàng, đủng đỉnh.
– Ba là: Trẻ không biết quan niệm về thời gian, không biết trân trọng thời gian trong cuộc sống của trẻ.
– Bốn là: Trẻ sinh ra và lớn lên trong môi trường mà mọi người xung quanh trẻ đủng đỉnh chậm chạp thì trẻ cũng sẽ học được thói quen này từ người lớn.
-Năm là: Việc người lớn quá chiều chuộng trẻ, làm hết mọi việc cho trẻ, tạo cho trẻ thói quen dựa dẫm người khác đến khi gặp phải những việc của bản thân, phải tự mình giải quyết thì trẻ cũng không biết cách làm nên lóng ngóng, chậm chạp.
Giúp trẻ từ bỏ thói quen lề mề
Để giúp trẻ từ bỏ thói quen lề mề thì cha mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến trẻ lề mề và sửa từ những nguyên nhân này. Cha mẹ có thể tham khảo những cách sau:
– Nếu trẻ lề mề do bản tính tự nhiên, đặc điểm thể chất: cha mẹ cần quan tâm phát triển thể chất cho trẻ, cho trẻ tăng cường vận động, luyện tập thể thao để tăng cường sự phát triển cơ bắp, hệ thần kinh và các giác quan. Ngoài ra cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lí cho trẻ.
–Nếu trẻ lề mề do thiếu hứng thú với công việc: cha mẹ cần quan sát xem trẻ hứng thú với những công việc có tính chất như thế nào, thử dùng những điều trẻ thích để kích thích tính tích cực của trẻ, đồng thời cho trẻ thấy được thành quả lao động của trẻ từ những việc mà trẻ kém hứng thú để tăng hứng thú cho trẻ. Ví dụ: “Nếu con dọn dẹp đồ đạc nhanh chóng thì mẹ sẽ cho đi chợ cùng mẹ” hoặc “con dọn dẹp đồ đạc nhanh chóng để bà đến bà thấy phòng con sạch sẽ bà sẽ khen con ngoan nào!”.
–Nếu trẻ lề mề vì trẻ không có quan niệm chặt chẽ về thời gian: cha mẹ có thể thông qua những câu chuyện về sự chậm trễ không biết quý trọng thời gian để giáo dục trẻ. Ví dụ, bạn có thể kể cho trẻ nghe câu chuyện “rùa và thỏ”, phân tích cho trẻ hiểu về giá trị của thời gian. Bên cạnh đó, cha mẹ nên tạo cho trẻ một thời gian biểu cụ thể trong sinh hoạt hằng ngày và hướng dẫn trẻ thực hiện theo thời gian biểu đã định sẵn đó.
– Tạo sự gọn gàng cho trẻ: Trẻ nhỏ thường lề mề do trẻ không có thói quen nề nếp, gọn gàng nên khi cần tìm dụng cụ để thực hiện một công việc gì đó thì trẻ phải mất rất nhiều thời gian. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ thói quen gọn gàng, ngăn nắp, để đồ đạc đúng nơi quy định thì trẻ sẽ không còn khó khăn mỗi khi tìm đồ đạc.
– Tạo sự tập trung cho trẻ khi thực hiện công việc: Trẻ rất dễ mất tập trung khi thực hiện một công việc gì đó nên thường lề mề. Nếu phát hiện thấy điều này, cha mẹ cần kịp thời chỉnh sửa ngay. Ví dụ, trẻ vừa ăn cơm vừa xem tivi thì trẻ sẽ ăn rất chậm. Trong trường hợp này, cha mẹ cần tắt tivi khi trẻ ăn cơm và nói với trẻ là nếu muốn xem tivi thì trẻ phải ăn xong cơm. Như vậy, trẻ sẽ ăn nhanh hơn. Tuy nhiên, có những trẻ không tập trung do cách giáo dục của cha mẹ không dứt khoát, giao việc này chồng chéo lên việc kia. Do đó cha mẹ cần chú ý điều chỉnh lại cách giao việc cho trẻ.
Ảnh hưởng từ cha mẹ và người lớn
Nếu thấy nguyên nhân dẫn đến việc trẻ lề mề, chậm chạp xuất phát từ việc bắt chước người lớn thì người lớn cần chỉnh sửa lại ngay thói quen của bản thân, đặc biệt là cần thẳng thắn nhận khuyết điểm này, nói với trẻ đây là khuyết điểm và trẻ không nên bắt chước.
Trẻ cần phải luyện tập thường xuyên các việc thì mới thành thạo, nhanh nhẹn, vì vậy cha mẹ hãy tin tưởng trẻ, giao cho trẻ một số công việc vừa với sức trẻ để trẻ được luyện tập. Thông qua đó, trẻ cũng học hỏi được nhiều giá trị của cuộc sống, đặc biệt là trẻ có thể dần dần học được kĩ năng tự phục vụ bản thân và giúp đỡ mọi người.
Trong khi hướng dẫn trẻ, cha mẹ tuyệt đối không trách mắng làm trẻ sợ quá mà mất tập trung, cần khen ngợi thành quả lao động của trẻ và động viên trẻ cố gắng hơn, không thúc giục trẻ quá, nhưng cũng cần cho trẻ hiểu được khoảng thời gian mà trẻ có thể sử dụng để hoàn thành công việc được giao.
Để sửa đổi thói quen lề mề của trẻ thì cần phải có thời gian nên cha mẹ cần phải kiên nhẫn, thường xuyên giúp trẻ điều chỉnh và khen ngợi sự tiến bộ dần dần ở trẻ.