Trong thời gian mang thai, các bà mẹ không mong gì hơn là có một sức khỏe tốt, con phát triển bình thường và cuộc sinh nở được diễn ra suôn sẻ, an toàn. Tuy nhiên, đôi khi một vài sự cố vẫn xảy ra ngoài dự tính.
Nhau tiền đạo là tình trạng nhau thai không bám hoàn toàn ở mặt trước và sau đáy tử cung như bình thường mà một phần, hoặc toàn bộ bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung. Nhau tiền đạo có thể gây chảy máu trong ba tháng cuối của thai kỳ, trong chuyển dạ và sau sinh, đồng thời gây nên tình trạng đẻ khó hoặc ngôi thai bình chỉnh không tốt, tình trạng này làm ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ và con.
Phân loại bệnh
Tuỳ theo vị trí mép nhau so với lỗ trong cổ tử cung mà có nhiều hình thái nhau tiền đạo khác nhau:
Nhau bám thấp: Phần lớn bánh nhau bám vào thân tử cung, chỉ có một phần bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung, nhưng mép nhau chưa ăn lan đến lỗ trong cổ tử cung. Loại này ít có biểu hiện ra ngoài, ít gây chảy máu hoặc chỉ gây chảy máu nhẹ, thường gây vỡ ối sớm.
Nhau bám bên: Phần lớn bánh nhau bám vào đoạn dưới, nhưng bờ của bánh nhau chưa tới lỗ trong cổ tử cung, loại này chảy máu nhẹ, tái phát trong quá trình có thai. Từ mép bánh nhau đến chỗ rách màng ối để thai ra nhỏ hơn 10cm.
Nhau bám mép: Còn gọi là nhau bám bờ, bờ của bánh nhau nằm sát mép lỗ trong cổ tử cung, loại này chảy máu nhiều. Khi chuyển dạ, cổ tử cung mở có thể sờ thấy mép bánh nhau.
Nhau tiền đạo bán trung tâm hay nhau tiền đạo trung tâm không hoàn toàn: Khi cổ tử cung mở hết, một phần nhau che lỗ trong cổ tử cung, có thể sờ thấy màng ối và sờ thấy múi nhau. Loại này gây chảy máu rất nhiều và cản trở đường thai ra.
Nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn: Bánh nhau che kín toàn bộ lỗ trong cổ tử cung. Thăm khám âm đạo chỉ thấy tổ chức nhau, không thấy được màng nhau. Loại này chảy máu dữ dội, cần phẫu thuật kể cả phải bỏ con để cứu tính mạng của mẹ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác gây nên nhau tiền đạo chưa rõ. Tuy nhiên, thường gặp nhau tiền đạo ở những sản phụ:
– Lớn tuổi: 1% đối với sản phụ trên 35 tuổi.
– Đa sản: 1/179 (0,56%) trường hợp bị nhau tiền đạo đối với sản phụ sinh 3 lần; 2,2% bị nhau tiền đạo đối với sản phụ sinh trên 5 lần.
– Tiền sử nạo phá thai, sảy thai.
– Tử cung có vết sẹo mổ cũ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có sự liên quan mật thiết giữa số lần mổ lấy thai và bệnh lý nhau tiền đạo: nguy cơ nhau tiền đạo trên những tử cung không có vết mổ lấy thai là 0,26%, nhưng tỷ lệ này có thể tăng đến 10% nếu có mổ lấy thai.
– Tiền sử viêm nhiễm tử cung.
– Do thai phụ sử dụng thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá trong thời kì mang thai.
– Tử cung dị dạng.
– Nhau tiền đạo có thể kết hợp với nhau cài răng lược. Tần suất nhau tiền đạo kết hợp với nhau cài răng lược tăng theo số lần mổ lấy thai. Ở sản phụ không có vết mổ cũ, nhau tiền đạo kết hợp nhau cài răng lược chiếm 9,4%, nhưng ở người có một lần mổ lấy thai tần suất là 21,1%, nếu có hai lần mổ lấy thai tỉ lệ này là 47,6%.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp con so không có tiền căn bệnh lý phụ khoa bất thường cũng bị nhau tiền đạo. Những trường hợp này, người ta cho rằng, vì trứng thụ tinh làm tổ ở thấp, gần đoạn eo, do đó sẽ phát triển ở đoạn dưới tử cung.
Giải phẫu bệnh
Trong nhau tiền đạo:
– Bánh nhau thường trải rộng và mỏng hơn bình thường, do đó dễ có biến chứng nhau bong không hoàn toàn, gây chảy máu trong thời kỳ sổ nhau.
– Phần màng nhau ở gần mép nhau thường dày và kém đàn hồi, vì vậy dễ bị vỡ ối sớm.
– Dây rốn có thể không bám ở trung tâm bánh nhau mà thường bám ở gần bờ nhau phía lổ trong cổ tử cung. Do đó, khi vỡ ối dễ bị sa dây rốn.
– Đoạn dưới tử cung mỏng, không có mạng cơ lưới nên dễ bị chảy máu sau khi sổ nhau.
– Ngôi thai thường bình chỉnh không tốt do bị cản trở bởi bánh nhau. Thường gặp ngôi đầu cao lỏng. Tỷ lệ ngôi bất thường như ngôi ngang, ngôi mông cũng rất cao.
Triệu chứng
Xuất huyết âm đạo là triệu chứng chính, thường diễn ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ, với đặc tính là xảy ra một cách đột ngột, không nguyên nhân, không triệu chứng báo trước, không kèm theo đau bụng, máu chảy ra đỏ tươi sau khi ra ngoài có đông thành cục máu. Lượng máu thường ít trong lần đầu và ngưng tự nhiên, nhưng sau đó lại tái phát nhiều lần và ở những lần sau khuynh hướng máu mất càng ngày càng nhiều hơn.
Trong một số trường hợp đặc biệt, bánh nhau bám gần lỗ trong cổ tử cung không chảy máu cho mãi đến khi nào chuyển dạ mới chảy máu từ ít đến ồ ạt. Nguồn gốc máu chảy trong nhau tiền đạo là máu của người mẹ, từ những xoang tĩnh mạch (hồ máu) ở bánh nhau.
Nguy cơ đối với mẹ và con
Đối với mẹ
Nguy cơ của nhau tiền đạo là: Xuất huyết âm đạo, có thể rất nặng, gây choáng mất máu và tử vong ở mẹ (tại Việt Nam tỷ lệ tử vong mẹ khoảng 1,16%); rối loạn đông máu, có thể xảy ra, nhưng ít gặp ở nhau tiền đạo, ngay cả khi nhau bong theo diện rộng. Có thể phỏng đoán rằng Thromboplastin – yếu tố thúc đẩy đông máu nội mạch – trong nhau tiền đạo đã được thoát ra ngoài kênh cổ tử cung chứ không đi vào tuần hoàn của người mẹ.
Đối với con
Thai dễ bị suy do thiếu máu; sinh non tháng, vì khả năng phải chấm dứt thai kỳ sớm. Nếu tình trạng xuất huyết âm đạo trầm trọng, xảy ra trước khi thai trưởng thành thì bác sĩ cũng quyết định cho sản phụ sinh sớm để cứu mẹ, vì thế thai non tháng là một lý do chính làm cho tỷ lệ tử vong của con còn khá cao. Tỷ lệ tử vong của con trong nhau tiền đạo kể cả non tháng và đủ tháng chiếm tỉ lệ là 30 – 40%.
Cách xử trí
Những sản phụ có nhau tiền đạo thường phải được theo dõi sát, được hẹn nhập viện sớm trước khi có chuyển dạ và có khả năng phải mổ cấp cứu để cứu mẹ và con.
Hướng xử trí tuỳ thuộc vào tuổi thai, mức độ chảy máu nhiều hay ít, đã có chuyển dạ hay chưa.
Biện pháp cụ thể tuỳ thuộc vào mức độ xoá mở cổ tử cung và mức độ chảy máu:
– Nếu cổ tử cung đã mở 6 – 7cm, đầu xuống thấp, ra máu ít và không có bất xứng đầu chậu hoặc không có nguyên nhân gây đẻ khó khác, có thể sản phụ sẽ cần được bác sĩ theo dõi một cách chặt chẽ.
– Nếu cổ tử cung chưa thuận lợi, tiên lượng thời gian của cuộc chuyển dạ còn kéo dài mà sản phụ đang ra máu nhiều thì bác sĩ sẽ phải quyết định mổ để đưa bé ra ngoài sớm, tránh những nguy hiểm cho mẹ và bé.
– Nếu các phương pháp bảo tồn trên thất bại, máu vẫn chảy nhiều hoặc với sản phụ có nhau tiền đạo bám mặt trước tại vị trí đường rạch lấy thai lần trước, rất có khả năng kèm theo nhau cài răng lược thì phải cắt tử cung.
Tien Huong đã bình luận
Chào bác sĩ,
Em co thai được 14 tuần. Khi siêu âm thì thấy có kết quả sau:
DKLD: 3.1 cm ; CDXD: 1.4 cm : DKNB: 3.0 cm
Vị trí nhau bám: mặt sau, nhóm 3 bờ dưới bánh nhau tràn qua lỗ trong cổ tử cung.
Độ trưởng thành: độ 0.
Ước tính cân nặng: +/- 200g
Kết luận là NHAU TIỀN ĐẠO.
Em về tìm hiểu thông tin thì thấy nhau tiền đạo rất nguy hiểm và có rất nhiều trường hợp. Như vậy trường hợp của em có nguy hiểm lắm không, có thể thay đổi trong thai kỳ không và mình có cách nào để phòng ngừa hay điều trị không ạ? Những thông tin “DKLD: 3.1 cm ; CDXD: 1.4 cm : DKNB: 3.0 cm” có nghĩa như thế nào ạ? (vì viết tắt nên em không hiểu))
Chân thành cám ớn bác sĩ.
phan phùng bảo Hiền đã bình luận
Em có thai 14 tuần được chuẩn đoán vị trí nhau ở mặt trước, bờ dưới sát lỗ trong CTC. Em ko biết như thế có chắc chắn là nhau tiền đạo hay ko? Khi thai còn nhỏ vị trí của bánh nhau ó thay đổi ko? hay khi được chuẩn đoán là nhau tiền đạo thi sẽ ko thay đổi đến lúc sinh.
Hiện tại em ko còn nghén, ăn uống cũng tương đối ổn, có phải nếu bị nhau tiền đạo thì người mẹ phải ăn thật nhiều để em bé đủ lớn khi sinh thiếu tháng ko? Bị nhau tiền đạo là phải sinh mổ phải ko?
Từ lúc nghe về nhau tiền đạo em rất sợ, em thấy nó nguy hiểm quá. Em đang có 1 bé trai 3 tuổi, cháu rất tinh nghịch và rất muốn ở cạnh mẹ. Em sợ khong biết khi em thai lớn làm sao em có thể chăm thằng bé vì khi thai lớn phải hạn chế đi lại tuyệt đối, em rất lo lắm.
My đã bình luận
BS ơi cho em hỏi em đang mang thai tuần thứ 23 hôm rồi đi siêu âm rau của em vẫn bám sát lỗ tử cung. Theo bác sỹ bánh rau của em có thể co lên được không?
Liên đã bình luận
Chào bác sỹ, em đi siêu âm thì "bánh rau vị trí mặt sau, mép bánh rau bám qua lỗ cổ tử cung:, cấu trúc đều, như thế có phải là nhau tiền đạo không ạ? Em lo lắng quá, em có thai được 12 tuần 3 ngày mà thai nặng có 17gr vì em không ăn uống được mấy. Bác sỹ cho em lời khuyên với ạ!
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Còn phải theo dõi tiếp tục mới kết luận nhau tiền đạo trung tâm hay không, nhưng nguy cơ thai suy dinh dưỡng là chắc do vị trí nhau bám không thể phát triển được nhiều mạch máu để nuôi thai. Giai đoạn này đã hết nghén bạn nên uống Obimin (theo đơn BS) và tích cực ăn uống bồi dưỡng thôi. Nguy cơ đẻ non và đẻ mổ cao vì vậy bạn càng tích cực DD cho con to càng tốt. Nếu chắc chắn nhau tiền đạo trung tâm thì khoảng 7 tháng chắc BS sẽ điều trị cho cắt cơn co sinh lý để giữ thai được gần đủ tháng càng tốt và thuốc kích thích phổi của bé phát triển sớm. Bạn cũng nên thu xếp công việc (nếu đi làm) để phải nghỉ sớm mới mong giữ được không đẻ quá non. Trước mắt 3 tháng giữa này tương đối an toàn, bạn và bé an lành phải tranh thủ tối đa thời gian này mà bồi dưỡng cho cả 2 mẹ con tăng cân, phát triển mạnh.
Cẩm vân đã bình luận
Em đang mang thai tuần thứ 31. Bác sỉ chẩn đoán em bị nhau tiền đạo bán trung tâm (theo giỏi nhau tiền đạo loại III-IV). bé ở tuần 28 tư thế ngồi đầu, nhưng hiện tại thì lại ngồi mông. em đọc các thông tin thì thấy nhau tiền đạo rất nguy hiểm. em rất lo lắng vì sự an toàn của con. em 26 tuổi. mang thai lần đầu. chưa có hiện tượng ra huyết âm đạo. Mong bác sĩ tư vấn thêm cho em.
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Khi bánh nhau thai ở vị trí tiền đạo của Tử cung, choán mất chỗ của đầu thai nhi rồi thì thai phải chịu ngược thôi. Nhau thai bán trung tâm sẽ thường ra máu vào cuối tháng thứ 8, đầu tháng thứ 9 khi bắt đầu có cơn co sinh lý (khoảng tuần thứ 35-36). Hầu hết những trường hợp tương tự như bạn đẻ non và mổ để đảm bảo tính mạng cho mẹ, với khoa học y học hiện nay nếu bé trên 1800gr thì cũng có thể nuôi được. Bạn nên bồi dưỡng thật tốt để bé phát triển to nhanh, nên đề nghị BS điều trị giảm co bóp TC và thuốc kích thích phổi bé phát triển trưởng thành sớm đề phòng nếu đẻ sớm, bé tự thở tốt. Chúc 2 mẹ con bạn may mắn và bình an.
Cẩm vân đã bình luận
Cảm ơn bác sĩ nhiều.
van đã bình luận
Chào MYC
MYC cho mình hỏi: mình đi siêu âm hôm qua thai 35 tuần với kết quả như sau:
ĐK lưỡng đỉnh 87mm
Chu vi vòng đầu 308mm
Chu vi vòng bụng 274mm
Chiều dài xương đùi 61mm
Rau bám mặt trước, trưởng thành độ 0 (là thế nào a?)
Dây rốn 02 động mạch và 01 tĩnh mạch, chỉ số kháng động mạch rốn RI 0.65
Cân nặng 2000gram
Cho mình hỏi các chỉ số trên có bình thường không? Con mình bé đúng ko? Dự định sinh bé nặng bao nhiêu vậy?
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bé nhẹ cân đấy bạn nhé, trung bình 36 tuần đã phải nặng 2500gr (tăng 700gr/4 tuần) để khi sinh đạt 3200gr, như hiện tại dự kiến sinh bé nặng 2700-2800gr thôi. Bạn cần tăng cường can-xi và sắt ngay, uống nhiều sữa. Bạn cần xem lại tuổi thai có chính xác không (ngày thấy kinh lần cuối và vòng kinh)