Ung thư cổ tử cung bắt nguồn từ việc lây nhiễm human papilomavirus (HPV), một loại virus lây lan phổ biến qua sinh hoạt tình dục. Cứ 10 phụ nữ thì 8 người có thể nhiễm virus này ít nhất một lần trong đời.
Nói đến ung thư cổ tử cung, đa số phụ nữ đều biết nhưng phần lớn lại cho rằng mình không có nguy cơ mắc bệnh. Nhiều người còn cho rằng nguy cơ đó đối với con gái ở lứa tuổi vị thành niên thấp hơn. Trên thực tế, đây là căn bệnh thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao trong số các bệnh ung thư phụ khoa ở phụ nữ. Mỗi ngày, tại Việt Nam, 14 phụ nữ được phát hiện mắc ung thư cổ tử cung và 7 người chết vì căn bệnh này.
Nhiều phụ nữ không biết nguyên nhân gây bệnh và nguy cơ đối với bản thân. Chị Yến, 37 tuổi, nhân viên bưu điện cho biết: “Tôi chỉ quan hệ một vợ một chồng, giữ gìn vệ sinh tốt sẽ phòng tránh được bệnh”. Theo chị Yến, những người không biết giữ vệ sinh, sinh hoạt tình dục bừa bãi hay gia đình có người từng mắc ung thư cổ tử cung mới có nguy cơ nhiễm bệnh.
Khác với chị Yến, chị Đào – 48 tuổi, quản lý nhân sự của một công ty in lại cho rằng việc sinh hoạt ăn uống điều độ, vệ sinh tốt, đi khám sức khỏe định kỳ là cách phòng tránh bệnh hiệu quả. Khi nói đến việc phòng bệnh cho cô con gái 17 tuổi, chị khẳng định: “Cháu còn nhỏ, chưa có quan hệ tình dục nên không có nguy cơ mắc bệnh”
Thực tế, ung thư cổ tử cung bắt nguồn từ việc lây nhiễm human papilomavirus (HPV), một loại virus lây lan phổ biến qua sinh hoạt tình dục. Cứ 10 phụ nữ thì 8 người có thể nhiễm virus này ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm HPV là chắc chắn bị ung thư cổ tử cung vì nhiều trường hợp nhiễm rồi sẽ tự hết. Khi bắt đầu có quan hệ tình dục, mọi phụ nữ đều có nguy cơ đối với căn bệnh này. Những biện pháp như tình dục an toàn, giữ vệ sinh… phần nào giúp giảm nguy cơ nhưng không đủ để ngăn ngừa sự lây nhiễm virus gây bệnh.
Quá trình nhiễm virus đến khi tiến triển thành ung thư trung bình từ 10 đến 20 năm. Các giai đoạn này diễn biến khá âm thầm. Thậm chí, giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng, do đó nhiều phụ nữ không biết mình đã mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Quan niệm cho rằng mình không có nguy cơ nhiễm bệnh cộng thêm tâm lý ngại khám phụ khoa, ngại chia sẻ những thông tin tế nhị dễ dẫn đến việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn và khó kéo dài cuộc sống.
Ung thư cổ tử cung là một trong số ít những bệnh ung thư có thể phòng ngừa. Để phòng ngừa, chị em phụ nữ có thể chủng ngừa để phòng lây nhiễm virus HPV, đồng thời khám phụ khoa tầm soát định kỳ hàng năm. Vacxin phòng virus HPV hiện nay có thể sử dụng cho bé gái từ 9, 10 tuổi đến phụ nữ 25, 26 tuổi. Việc chủng ngừa giúp phòng chống việc lây nhiễm một số tuýp HPV gây bệnh phổ biến nhất. Bạn chủng ngừa càng sớm sẽ giảm được nguy cơ nhiễm các virus này, đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung về sau.