Trẻ bị viêm nhiễm ở tai là rất thường gặp bởi bé chưa biết cách tự bảo vệ tai của mình. Có tới 2/3 số trẻ bị nhiễm trùng tai ít nhất 1 lần trước giai đoạn lên 2 tuổi.
Và tình trạng nhiễm trùng tai thường gây ra bởi virus hoặc vi khuẩn. Những đứa trẻ dưới 7 tuổi có thể bị nhiễm trùng tai vì nhiều lý do, như:
– Những ống thông với phần sau của cổ họng với tai giữa của trẻ bị hẹp (những ống này gọi là vòi Ot-tat). Vị trí của những ống này cũng có thể làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
– Hệ miễn dịch của trẻ đang phát triển, chưa hoàn chỉnh.
Những đứa trẻ có thể bị nhiễm trùng tai khi có các biểu hiện như bị đau ở tai; không nghe rõ; hay nắm kéo tai; sốt trên 38 độ C; hay khóc trong lúc bú hoặc ăn.
Một vài thể nhiễm trùng tai có thể tự khỏi trong vòng vài ngày mà không cần điều trị. Trong khi một số trường hợp khác cần phải sử dụng đến kháng sinh. Các bác sĩ thường điều trị cho những đứa bé dưới 6 tháng tuổi bằng cách chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Riêng đối với những trẻ lớn hơn và có triệu chứng nhiễm trùng tai nhẹ, bác sĩ có thể đề nghị chờ một vài ngày xem bệnh có tự khỏi hay không rồi mới kê thuốc kháng sinh.
Khi các bác sĩ chỉ định cho trẻ uống thuốc kháng sinh, hãy bảo đảm rằng trẻ cần phải uống đúng thời lượng (ngay cả khi trẻ cảm thấy bớt bệnh sớm hơn). Nếu buộc trẻ ngừng việc sử dụng thuốc kháng sinh quá sớm, chứng nhiễm trùng tai có thể bị tái lại và khi đó, trẻ phải cần tới loại thuốc kháng sinh mạnh hơn để điều trị.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định các phương pháp điều trị giúp giảm triệu chứng đau tai ở trẻ như cho trẻ uống thuốc acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Motrin or Advil), và đôi khi bác sĩ cũng sử dụng các loại thuốc nước để nhỏ vào tai trẻ.
Sau khi điều trị, tai của trẻ có thể bị chảy nước và làm giảm khả năng nghe của trẻ trong vòng ba tuần hoặc lâu hơn. Và thính giác của trẻ sẽ trở lại bình thường khi các chất lỏng trong tai không còn hình thành nữa.
Làm gì để ngăn ngừa?
– Cho trẻ bú sữa mẹ. Sữa mẹ có chứa các chất kháng thể đặc biệt, có thể giúp bảo vệ cơ thể trẻ trước các nguy cơ bị nhiễm trùng, bao gồm cả các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng tai.
– Giữ trẻ đúng tư thế trong lúc bú bình. Điều này giúp ngăn ngừa sữa không nhiễu vào các vòi Ot-tat trong tai giữa của trẻ, gây nhiễm trùng. Đồng thời, bạn cũng nên tránh để bình sữa trong nôi, cũi của trẻ sau khi cho trẻ bú xong.
– Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Vì khói thuốc dường như làm gia tăng nguy cơ gây ra các vấn đề về tai, cũng như hệ hô hấp và nhiễm trùng. Việc làm sạch bụi bặm trong nhà cũng rất có ích đối với trẻ.
– Bảo đảm rằng trẻ phải được chủng ngừa miễn dịch đầy đủ. Vắc-xin pneumococcal có thể giúp trẻ ngăn ngừa chứng nhiễm trùng tai gây ra bởi các loại vi khuẩn nhất định.