Cả gia đình chuẩn bị một kế hoạch đi du lịch vừa nghỉ ngơi thư giãn, vừa giúp cho con biết nhiều hơn về phong cảnh, đất nước. Tuy nhiên liệu một chuyến du lịch như vậy có thực sự hấp dẫn với trẻ…
Những “ông trời con”
Vừa thấy dĩa cá bống sông Trà, bé My kêu lớn: “Cá gì có chút xíu, xương không làm sao con ăn?”. Cô bé nhăn nhó bỏ đũa, đòi ăn mì gói, dù còn có món canh chua cá chim rất ngon. Bực dọc sau nhiều lần con gái đòi hỏi, anh Thìn, cha bé My quát: “Không ăn thì nhịn, đừng có lôi thôi!”. Trong khi đó, chị Phương, mẹ bé My lại lăng xăng chạy theo con gái, năn nỉ: “Thôi, để mẹ nhờ họ nấu mì cho con ăn đỡ. Chiều có món khác ngon hơn”. Anh Thìn lừ mắt, chị Phương lại quay sang “dỗ” chồng: “Kệ, chiều con một chút cho yên đi anh!”.
Thấy vậy, hai bé Hạnh và Thùy, con gái chị Ánh Trân cũng đòi ăn mì cho… giống bạn. Chị Trân nói nhỏ gì đó với con, hai cô bé đã giậm chân, bỏ đũa, bước ra khỏi phòng ăn. Mười ngày của hành trình xuyên Việt mới mở màn, mọi người đã dần hiểu nếp sinh hoạt của gần 30 gia đình nhân viên trong công ty cùng tham gia chuyến du lịch này.
Ngày thứ sáu, mọi người tiếp tục trải qua những giây phút kinh hoàng. Sau khi dẫu môi chê kẹo Cu đơ, bé My và bé Quý dắt nhau ra đường rồi lạc giữa rừng các quán kẹo tại thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh! Cả đoàn túa ra đi tìm, còn phải báo công an, đến hơn hai giờ sau mới thấy hai cô nhóc ngồi khóc thút thít ở một quán kẹo cách chỗ xe đậu chừng 500m. Hóa ra vì quán kẹo nào cũng giống quán nào, tất cả đều có khách vào tham quan, mua sắm, nên hai cô nhóc đi một vòng tưởng mình về đúng chỗ, tìm hoài không thấy ba mẹ.
Trong chuyến đi, mọi người thường thấy ba cha con anh Trịnh Thiện cùng nhau hí hoáy ghi chép những địa danh, di tích lịch sử…; vợ chồng chị Kiều Thu và hai cô con gái trao đổi với nhau về văn hóa của những vùng miền mà đoàn đã đi qua; gia đình anh Minh Hùng suốt ngày chụp ảnh lưu niệm. Mỗi tối, anh Hoàng Văn Tuấn cùng các con làm nhật ký, đưa lên blog gia đình… Trong khi đó, nhiều gia đình đã phải cãi nhau về chuyện lựa chọn trang phục khi đi tham quan. Chị Hà My ngày nào cũng bực bội việc con gái 15 tuổi mặc hở hang. Chị Minh Hằng lại phải mắng con hay ngủ nướng, chậm lụt, bắt mọi người chờ đợi.
Hành trình của đoàn kéo dài 10 ngày, tất cả người lớn đều rất háo hức, vui vẻ, nhưng lũ trẻ con của các gia đình hầu như không phải vậy. Số cháu hài lòng với chuyến đi không nhiều. Anh Minh Quang nói: “Tôi thật sự thất vọng về hai cậu con trai của mình. Chúng may mắn được đi đến những vùng đất đầy di tích lịch sử, văn hóa như vậy, mà sao đi tới đâu chúng cũng… trơ trơ! Còn nói đi kiểu này chán quá, không được tắm biển, leo núi gì hết…”. Anh Thìn thì bảo: “Tôi xấu hổ thật sự khi thấy con gái “không thể thích nghi” ở bất cứ nơi đâu, với bất cứ món ăn gì…”.
Một số cháu thường cằn nhằn, tỏ ra khó chịu vì thiếu thốn tiện nghi, ăn không hợp khẩu vị và than vãn vì không có các trò chơi mà chúng ưa thích.
Dạy con qua những chuyến đi
Ông Trần Tuấn Huy – Phó giám đốc Công ty Hợp Tác Trẻ cho biết: “Thật sự, mỗi chuyến du lịch chính là một buổi học ngoại khóa đầy ý nghĩa và bổ ích cho con trẻ. Theo tôi, trước khi tham gia chuyến đi, cha mẹ cần hướng dẫn cho con. Cần cho con biết sơ qua về địa danh, phong cảnh, đặc sản, phong tục tập quán nơi đoàn sẽ đến hoặc đi qua để con có tâm thế khám phá và trải nghiệm trong chuyến đi. Hãy cùng con lên danh sách, sắp xếp các vật dụng cho chuyến du lịch. Trao đổi trước với con những tình huống có thể xảy ra như: mất cắp, thất lạc đồ, bị lạc đường, xử lý các vết thương thông thường… Nhắc con nhớ số xe mình ngồi, tên đoàn tham quan. Dạy con cách thức giao tiếp, ứng xử với bạn bè đi chung, với người dân địa phương. Tôn trọng nét văn hóa địa phương.Biết cách giữ gìn sạch sẽ và bảo vệ môi trường nơi tham quan. Giữ trang nghiêm, yên lặng khi viếng những nơi thờ phụng như chùa, nhà thờ, lăng tẩm, miếu…
Cha mẹ cần ý thức rằng du lịch là một bài học lớn giúp con trưởng thành và rèn luyện kỹ năng sống. Do đó, cần tạo điều kiện tốt để con chia sẻ. Cần nói thẳng, nói thật với con suy nghĩ của cha mẹ trước những tình huống mà con đã ứng phó để giúp con nhận ra những cái được và chưa được. Khơi gợi nhận xét và quan điểm của con về các bạn đi cùng, về phong tục tập quán, người dân địa phương, nơi chốn mà con đã đi qua.
Cha mẹ cũng cần nhắc con một số điều không nên khi đi du lịch: không đòi hỏi mọi người phải phục vụ mình, không nói lớn tiếng, gây ồn ào hoặc ăn mặc hở hang nơi trang nghiêm; không xả rác bừa bãi; không tỏ ra khinh miệt, chê bai, gây xúc phạm đến nét văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương; không xử dụng lãng phí điện, nước, đồ dùng trong khách sạn hoặc nơi lưu trú; không phá hoại cảnh quan, di sản văn hóa.
Với trẻ con trên 5 tuổi, bạn cũng nên hướng dẫn các em viết ra danh sách các đồ dùng để đánh dấu và kiểm tra. Ví dụ: quần áo (mặc đi chơi, đồ ngủ, đồ tắm, đồ ấm, áo mưa tùy theo thời tiết…); đồ dùng cá nhân: giày dép, nón, bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, thuốc (cảm, đau bụng, băng cá nhân, thuốc sát trùng, một số thuốc đặc trị của cá nhân); sổ tay, viết, dao nhỏ, đèn pin, tiền cá nhân, bản đồ hoặc sách hướng dẫn nơi sẽ tham quan. Ngoài ra tùy vào đặc tính của tour du lịch yêu cầu, có thể có lều, bếp, hộp quẹt, dây…”.
Mùa du lịch lại về, hãy cùng con chuẩn bị hành trang để chuyến đi thật sự thú vị, bổ ích.