Khi mang thai bạn sẽ rất lo lắng và thường tẩm bổ nhiều hơn trước. Tuy nhiên không phải cứ ăn nhiều là sẽ có lợi cho sức khỏe, thay vào đó hãy chú ý tới các loại dinh dưỡng quan trọng đối với thai phụ.
Dưới đây là 9 loại chất dinh dưỡng thiết yếu cho thai kỳ, rất hữu ích cho cả bạn và thai nhi!
1. Prôtêin: Khi có thai nhu cầu prôtêin sẽ tăng khoảng 50%. Trong một ngày bạn cần ăn trứng, nửa lít sữa, cá hoặc thịt nạc sẽ đủ lượng prôtêin. Các món này đều chứa các axit amin cần thiết (là chất cấu tạo nên prôtêin). Prôtêin thực vật chỉ chứa một số ít loại axit amin do đó cần dùng chung với prôtêin từ động vật hoặc thực phẩm chế biến từ lúa mì. Prôtêin thực vật có trong các loại đậu, men bia, các loại hạt và quả hạch.
2. Calorie: Bình thường nhu cầu calorie hàng ngày là 2000 đến 2500, khi có thai bạn sẽ phải cần thêm 500 calorie. Nhu cầu calorie sẽ còn cao hơn nếu bạn sinh hai lần quá gần nhau, hoặc bạn không nghỉ dưỡng sức khi mang thai, hoặc thể trạng bạn gầy yếu , hoặc đang bị stress. Bạn chỉ cần thay đổi khẩu phần ăn thường xuyên, ăn đầy đủ các chất thì bạn sẽ có đầy đủ calorie!
3. Chất xơ và chất lỏng: Khi thai lớn bạn thường hay bị táo bón. Để cải thiện tình trạng này bạn hãy ăn nhiều chất xơ để giúp ruột hoạt động tốt. Khẩu phần ăn hàng ngày của bạn nên có các loại thực phẩm cung cấp chất xơ như rau quả tươi sống, cơm và các loại đậu.
Trong thời gian mang thai bạn không cần điều chỉnh lượng nước uống, trừ khi để theo dõi hàm lượng calorie mà thức uống đó cung cấp. Nước trắng là thức uống tốt nhất, nó giúp hai thận của bạn làm việc hiệu quả và ngăn ngừa táo bón. Nếu cơ thể bạn đang có tình trạng giữ nước nhẹ (phù nề) bạn có thể uống ít hơn cũng không sao.
4. Các Vitamin: Chế độ ăn uống cân đối và đa dạng sẽ giúp bạn sẽ có đủ Vitamin cần cho cơ thể mà không phải bổ sung thêm. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy các sản phụ đã được bổ sung Vitamin trước khi có thai hoặc trong 3 tháng đầu thì sẽ ngăn ngừa được tật khiếm khuyết ống thần kinh như: thai vô sọ hay tật nứt đốt sống.
5. Chất khoáng: Nếu bạn ăn uống hợp lý thì bạn không sợ thiếu khoáng chất và các yếu tố vi lượng. Tuy nhiên, calcium và sắt cần được cung cấp đều đặn nên một số bệnh viện cho sản phụ dùng bổ sung sắt và axit folic. Nếu bạn không được cho dùng các chất này bạn hãy thử hỏi bác sỹ xem; có thể bác sỹ sẽ đánh giá chế độ ăn uống của bạn để xem đã đầy đủ chưa. Đừng bao giờ tự mua khi chưa có ý kiến của bác sỹ.
6. Calcium: Ngay khi có thai nhu cầu Calcium của bạn đã tăng lên gấp đôi bởi vì răng và xương thai đã bắt đầu hình thành từ tuần thứ 4-6. Thai càng lớn bạn càng cần nhiều calcium hơn, đến tuần thứ 25 bạn phải cần nhiều hơn gấp đôi. Các loại thực phẩm có chứa calcium là sản phẩm chế biến từ sữa, rau cải, các loại đậu và quả hạch.
Calcium sẽ không được hấp thụ hiệu quả nếu thiếu Vitamin D, nhưng loại vitamin này không có nhiều trong thức ăn mà chủ yếu lấy từ ánh nắng mặt trời. Chỉ cần có ánh nắng là cơ thể có khả năng tự tổng hợp Vitamin D cho nên bạn không cần phải ăn bổ sung các thực phẩm chứa loại Vitamin này trừ khi bạn không bao giờ ra nắng.
Mỗi ngày bạn sẽ cần bổ sung thêm 1200mg calcium dạng phối hợp, trong khi nếu ăn uống bình thường thì chỉ cần 600mg là đủ. Đồng thời bạn cũng cần bổ sung Vitamin D dưới hình thức viên dầu cá chung với Vitamin A.
7. Sắt: Thể tích máu tăng tức cần thêm hồng cầu, cũng có nghĩa là cần thêm chất sắt để tạo haemoglobin cho hồng cầu. Máu càng chứa nhiều haemoglobin thì càng mang được nhiều oxygen đến nuôi các tổ chức trong cơ thể, trong đó có bánh nhau. Bạn cần dự trữ sắt cho đứa bé sau này vì sữa mẹ cung cấp rất ít sắt.
Sắt rất khó hấp thu; sắt trong động vật (tôm tép, lòng đỏ trứng) dễ hấp thu hơn sắt trong thực vật nhiều, ăn thức ăn nhiều vitamin C cùng lúc với thức ăn nhiều sắt sẽ giúp tăng cường hấp thu sắt.
Nếu sản phụ bị thiếu sắt bất kể bị từ trước hay mới bị đều cần uống viên sắt phòng ngừa tình trạng thiếu máu.
8. Axit folic: là một chất rất cần thiết trong hoạt động cung cấp axit nucleic cho quá trình phân chia tế bào của phôi. Do cơ thể không có khả năng dự trữ axit folic trong khi lượng bài tiết lại tăng lên 4-5 lần bình thường trong thai kỳ, do đó bạn cần ăn chất này mỗi ngày mới đủ nhu cầu.
Axit folic có sẵn trong rau cải và các loại quả hạch, nhưng tốt hơn là bạn nên bổ sung chất này từ 3 tháng trước khi có thai và kéo dài suốt thai kỳ. Đối với các sản phụ đã từng sinh con có khiếm khuyết dây sống và não như tật nứt đốt sống thì cần được bổ sung liều cao 4 mg.
9. Muối: Bình thường, đa số chúng ta dùng quá liều muối, nhưng đến khi có thai nên duy trì lượng muối ăn vào vừa phải. Bất cứ lượng muối thừa nào trong máu cũng đều bị pha loang ngay bởi lượng dịch thừa xuất hiện trong thai kỳ.