Thuốc có tác dụng chữa bệnh, nhưng nó cũng có những tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy hãy luôn cẩn trọng khi sử dụng thuốc và luôn nhớ tới liều lượng bác sĩ đã kê cho bạn.
Nhiều loại thuốc kháng sinh, thuốc trị đái tháo đường được cảnh báo chứa chất gây ung thư, tác dụng phụ lên gan và thận… làm người bệnh như “ngồi trên lửa”
Thông tin nhiều loại thuốc có chứa chất bảo quản Parabens có khả năng gây ung thư như kháng sinh Zinnat, thuốc chống nôn Motilium, xi rô ho Rhinathiol… vừa lắng xuống thì nhiều người lại hốt hoảng trước tin kháng sinh Augmentin bị thu hồi tại Hồng Kông và Đài Loan vì chứa chất độc.
Dù sau đó Bộ Y tế đã trấn an rằng thuốc Augmentin bị thu hồi hiện không có mặt tại Việt Nam nhưng điều này dường như vẫn chưa đủ để xua tan sự lo lắng của những người thường xuyên sử dụng loại kháng sinh này.
Lo ngại vì kháng sinh chứa độc
Chị Ngọc Hà (phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) băn khoăn: “Con gái tôi vừa kết thúc điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp bằng đợt thuốc kháng sinh Augmentin. Bao bì thuốc con tôi sử dụng không giống như loại thuốc được khuyến cáo nhiễm chất phụ gia độc ấy nhưng tôi vẫn rất lo”.
Ngay cả những người kinh doanh dược phẩm cũng không khỏi giật mình trước thông tin những loại kháng sinh có tên tuổi lại bị cảnh báo chứa những độc tố nguy hiểm.
Chị Tâm Thanh, nhân viên một hiệu thuốc trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết ngay khi đọc được thông tin về kháng sinh Augmentin (dạng bột pha xi rô, hàm lượng 457 mg/5 ml sản xuất tại Anh và loại hàm lượng 156 mg/5 ml sản xuất tại Pháp) bị thu hồi do nhiễm phụ gia làm dẻo gây tác dụng phụ lên gan và thận, cửa hàng lập tức rà soát lại các loại thuốc Augmentin.
Với thông tin về kháng sinh Zinnat chứa chất bảo quản Parabens gây ung thư vú, vô sinh, chị Thanh cho hay theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), các dữ liệu mới về nguy cơ gây hại cho sức khỏe của chất này vẫn đang được đánh giá.
“Như vậy có thể hiểu là cơ quan chức năng chưa có lệnh thu hồi hay ngừng sử dụng nên đương nhiên những thuốc có parabens vẫn được mua bán bình thường” – chị Thanh nhận định.
Có kiểm soát được thuốc đã thu hồi?
Trong khi chất Parabens, chất làm dẻo và các dẫn xuất khác đang được tìm kiếm trong nhiều loại thuốc thì mới đây, Cục Quản lý dược Việt Nam lại thông báo Cục Đăng ký thuốc của Pháp đã ngừng sử dụng các thuốc có chứa hoạt chất Pioglitazone (thuốc điều trị đái tháo đường tuýp 2) do tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng khuyến cáo thầy thuốc không kê đơn sử dụng thuốc có chứa Pioglitazone ở bệnh nhân ung thư bàng quang tiến triển. Với bệnh nhân có tiền sử ung thư bàng quang nên thận trọng khi kê đơn sử dụng thuốc có chứa pioglitazone. Ngoài ra, cơ quan này cũng lưu ý các bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích của việc kiểm soát đường huyết so với nguy cơ chưa biết về tái xuất hiện ung thư khi sử dụng thuốc…
Sau khi thông tin này được phát ra, Bộ Y tế cho biết thuốc đái tháo đường này đang được sử dụng tại Việt Nam. Trong lúc chờ đợi kết luận cuối cùng, Bộ Y tế chỉ nhắc lại khuyến cáo của FDA và thông báo đang theo dõi phản ứng có hại của thuốc, tổng hợp tình hình sử dụng, phản ứng không mong muốn ở bệnh nhân đã dùng thuốc chứa hoạt chất Pioglitazone được lưu hành ở Việt Nam.
Việc thận trọng của Bộ Y tế trước việc đưa ra các quyết định thu hồi thuốc khiến không ít người băn khoăn rằng có phải việc này nhằm giúp doanh nghiệp “tiêu thụ” hết số thuốc đã được sản xuất còn tồn giống như với thuốc Mediator – loại thuốc chứa hoạt chất điều trị giảm béo bị đình chỉ lưu hành và rút số đăng ký sau thời gian dài Bộ Y tế khuyến cáo hạn chế tối đa việc kê đơn thuốc này.
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, khẳng định các sản phẩm thuốc khi nhập vào Việt Nam đều được kiểm nghiệm chất lượng, theo dõi các phản ứng phụ và thu hồi nếu phát hiện sản phẩm không đạt những chỉ tiêu như công bố. “Thực tế có những loại thuốc, nhất là thuốc mới, có khi phải sử dụng trên người bệnh mới, phát hiện vấn đề.
Thậm chí có thuốc khi phát hiện phản ứng gây hại nhưng sau khi cân nhắc với lợi ích thuốc mang lại thì vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên có loại thuốc phải cảnh báo và thu hồi ngay”- ông Cường nói. Với những loại thuốc nhập khẩu, việc đưa ra cảnh báo về độc tố vẫn còn nằm ngoài khả năng của hệ thống kiểm nghiệm dược.
Mất tiền mua… bệnh
Theo quy định, khi có thuốc bị đình chỉ, cơ sở sản xuất và nhà phân phối gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở, đồng thời tiến hành thu hồi toàn bộ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà thuốc bán thuốc không có hóa đơn nên không thể biết người mua ở đâu.
Theo một dược sĩ, tại những TP lớn, thuốc bị đình chỉ lưu hành có thể được công ty thu hồi ngay trong ngày nhưng với những điểm bán nhỏ lẻ, ở vùng sâu, vùng xa có thể vì thiếu thông tin mà họ vẫn bán thuốc kém chất lượng hoặc chưa bị thu hồi kịp.
Cuối cùng, người bệnh vẫn chịu thiệt thòi vì vừa mất tiền chữa bệnh lại vừa mua thêm bệnh vào người!