Bệnh viêm da tiếp xúc là phản ứng viêm da do tương tác giữa da và tác nhân tiếp xúc bên ngoài. Tỷ lệ bệnh viêm da tiếp xúc khác nhau giữa các vùng địa lý, thời gian trong năm, giới tính, nghề nghiệp, lứa tuổi của bệnh nhân. Tại Việt Nam, bệnh viêm da tiếp xúc chưa được thống kê đầy đủ, nhưng đây là một bệnh da hay gặp và có xu hướng ngày càng tăng.
Viêm da tiếp xúc là phản ứng viêm da do tương tác giữa da và tác nhân tiếp xúc bên ngoài. Tỷ lệ bệnh viêm da tiếp xúc khác nhau giữa các vùng địa lý, thời gian trong năm, giới tính, nghề nghiệp, lứa tuổi của bệnh nhân. Tại Việt Nam, bệnh viêm da tiếp xúc chưa được thống kê đầy đủ, nhưng đây là một bệnh da hay gặp và có xu hướng ngày càng tăng.
Các yếu tố ảnh hưởng
– Nồng độ chất tiếp xúc, cách thức tiếp xúc, thời gian, vị trí tiếp xúc.
– Tuổi của bệnh nhân: tuổi nhỏ dễ bị ảnh hưởng hơn.
– Các bệnh kèm theo.
– Yếu tố môi trường như nóng ẩm, tăng tiết mồ hôi.
Có 2 loại viêm da tiếp xúc gồm: viêm da tiếp xúc kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng.
– Biểu hiện nhẹ: cảm giác châm chích, rát bỏng, da khô căng hoặc mày đay thoáng qua.
– Biểu hiện nặng: đỏ, phù nề, đau, mụn nước, bọng nước, mụn mủ, lột da, hoại tử.
– Giới hạn rất rõ, khu trú đúng ở nơi da tiếp xúc với chất kích ứng.
– Bệnh khỏi nhanh sau vài ngày hoặc vài tuần.
Viêm da tiếp xúc kích ứng mạn tính
Còn được gọi là viêm da tiếp xúc kích ứng tích lũy. Đây là loại rất thường gặp và bệnh xuất hiện khi tiếp xúc nhiều lần, trong thời gian dài vài tuần, vài tháng, có thể vài năm tiếp xúc với chất kích ứng có nồng độ thấp như xà phòng, dầu gội, chất tẩy rửa …
– Các yếu tố thuận lợi: cọ sát, sang chấn, ẩm ướt, v.v…
– Biểu hiện da đỏ, bóc vảy, nứt nẻ, ngứa, lichen hóa;
– Giới hạn của tổn thương da không rõ với da lành.
– Viêm da bàn tay hay gặp ở nữ hơn do tiếp xúc với các chất kích ứng là xà phòng, chất tẩy rửa, đồ ăn… khi làm công việc nội trợ.
Viêm da tiếp xúc dị ứng
– Xảy ra ở những người đã có tiếp xúc với dị nguyên trước đó, có thể vài tuần, vài tháng, hoặc vài năm. Lúc đầu việc tiếp xúc này không gây ra triệu chứng gì, nhưng dần dần khi tiếp xúc nhiều lần sẽ gây tổn thương cho da.
– Xuất hiện muộn, thường sau khi tiếp xúc với dị nguyên 48-72 giờ.
– Biểu hiện lâm sàng:
- Cấp tính: ngứa, đỏ, phù, mụn nước, và tổn thương lan tỏa vượt quá vùng tiếp xúc.
- Mạn tính: ngứa, đỏ, trợt da, bong vảy, lichen hóa, giống viêm da tiếp xúc kích ứng mạn tính.
Các tác nhân tiếp xúc
Các chất kiềm, axít, chất tẩy rửa, chất bảo quản, chất khử mùi…hay gây viêm da tiếp xúc kích ứng.
– Kiềm: Có trong xà phòng, bột giặt, chất tẩy rửa.
- Chất kiềm có khả năng xuyên thấm và phá huỷ sâu do làm tan chất sừng.
- Viêm da bàn tay ở các bà nội trợ, công nhân nhà máy xà phòng hay do chất kiềm gây ra.
– Acid sulfuric, acid nitric, acid oxalic, acid chloric… gây viêm da tiếp xúc nghề nghiệp
– Kim loại: đồng, thủy ngân, nickel, bạc, kẽm… viêm da tiếp xúc dị ứng do kim loại hay gặp nhất là do nickel có ở đồ bằng kim loại như: dây đeo đồng hồ, cúc, khóa móc quần, thắt lưng…
– Các chất khác: bromine, chlorine, iodine, bụi kẽm, bụi vôi, bụi gỗ, bụi thuốc lá, potassium dichlomate trong thuộc da, xi măng…
– Các dung môi hoà tan chất dầu, dầu bôi trơn, dầu cắt công nghiệp…
– Dung môi bay hơi gây viêm da tiếp xúc ở mũi, miệng, mặt, vùng da hở.
– Hương liệu, chất bảo quản có trong mỹ phẩm;
– P-phenylenediamine trong chất nhuộm tóc;
– Formaldehyde trong nhựa dán;
– Carbamix, thiramix, mercaptomix trong cao su tổng hợp;
– Thuốc bôi; hoá chất trừ sâu; nhựa cây; hoa, phấn hoa; quần áo…
– Một số hoạt chất gây viêm da tiếp xúc do làm tăng nhạy cảm của da khi có sự tác động của ánh sáng mặt trời như Sulfonamide, Phenothiazine, Paraaminobenzoic acid, oxybenzone, 6-methyl coumarine.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định dựa vào
– Lâm sàng: hình thái, cách sắp xếp và sự phân bố tổn thương ở các vị trí gợi ý cho chẩn đoán.
– Tiền sử cá nhân, đặc biệt là tiền sử các bệnh viêm da trước đó.
– Nghề nghiệp, sở thích, sử dụng mỹ phẩm, quần áo, đồ dùng cá nhân, môi trường nhà ở, thuốc bôi…
Chẩn đoán nguyên nhân, sử dụng các loại test sau đây:
– Test kích thích: Để xác định xem bệnh nhân có nhạy cảm với chất tiếp xúc không. Thường bôi chất nghi ngờ vào da ở mặt trong cẳng tay, ngày vài lần trong 7 ngày. Test này được áp dụng cả ở tuyến y tế cộng đồng để xác định nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc.
– Test áp dùng để chẩn đoán xác định căn nguyên gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Loại test áp này chỉ thực hiện được ở các cơ sở có điều kiện xét nghiệm chuyên khoa.
Điều cần lưu ý là rất nhiều trường hợp viêm da tiếp xúc kích ứng cần phải được phân biệt với bệnh Zona. Sự khác biệt cơ bản ở chỗ bệnh Zona thường hay xuất hiện các mụn nước, bọng nước chỉ ở một vùng da chịu sự chi phối của dây thần kinh ngoại biên và chỉ giới hạn ở một bên của cơ thể. Bệnh nhân thường bị đau nhiều, đau sâu và rộng hơn vùng da có tổn thương. Trong khi đó, bệnh viêm da tiếp xúc kích ứng thì tổn thương da xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào có tiếp xúc và bệnh nhân thường chỉ có cảm giác rát bỏng nông trên bề mặt da bị tổn thương.
Việc phân định rõ ràng hai loại bệnh này rất quan trọng giúp định hướng điều trị đúng để tránh được việc điều trị nhầm rất hay gặp, nhất là tại các nhà thuốc/quầy thuốc, đó là dùng thuốc điều trị Zona cho trường hợp bị viêm da tiếp xúc, gây việc sử dụng thuốc không cần thiết, lãng phí và kéo dài thời gian điều trị. Đồng thời, việc xác định đúng bệnh nhân bị bệnh Zona cũng giúp cho điều trị sớm tránh được những di chứng đau sau Zona, đặc biệt đối với người lớn tuổi.
Điều trị
– Ngừng ngay tiếp xúc với các tác nhân nghi ngờ. Nếu đã biết tác nhân gây bệnh thì loại bỏ các chất còn dư thừa trên da bằng cách rửa nước hoặc dùng các chất trung hoà, nhất là đối với trường hợp viêm da tiếp xúc kích ứng do các hoá chất mạnh.
– Đắp dung dịch Jarish, nước muối sinh lý, nước thuốc tím loãng, nước lá khế vô khuẩn đối với trường hợp có tiết dịch, sưng nề nhiều.
– Thuốc bôi như Hồ nước, hồ Tetrapred, hoặc các loại kem có corticoid như: hydrocortisol, eumovate, locatop, beprosone, temprosone….
– Trường hợp nặng: Bệnh nhân có thể phải nằm viện điều trị.
Phòng bệnh
– Loại bỏ các chất tiếp xúc gây bệnh đã biết.
– Hạn chế dùng xà phòng, chất tẩy rửa; tránh tắm rửa quá mức để giữ lớp bảo vệ tự nhiên của da.
– Dùng kem bảo vệ thích hợp trong các môi trường làm việc có tác nhân dễ gây viêm da tiếp xúc.
– Thường xuyên bôi kem làm ẩm, nhất là sau khi làm việc để chống nứt, khô da, tránh sự xâm nhập của các chất kích ứng, có thể dùng các loại dầu thực vật, mỡ có sẵn tại gia đình.
– Dùng găng thích hợp khi làm việc trong môi trường có chất kích ứng để không cho hóa chất hay dung môi xuyên thấm vào da.
– Tư vấn nghề nghiệp thích hợp nhất là những trường hợp bị viêm da tiếp xúc do nghề nghiệp.
– Có thể thử sự kích ứng/dị ứng của da đối với sản phẩm định dùng bằng cách bôi vào da ở mặt trong cẳng tay, dưới cằm hoặc lưng ngày 2 lần trong 7 ngày, nếu da không có phản ứng gì thì có thể dùng sản phẩm đó được.