Nước ối là “môi trường sống” của thai nhi trong bụng mẹ, vì vậy thiếu ối do bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể khiến bé bị ngạt. Có nhiều nguyên nhân gây thiếu ối khác nhau và còn phụ thuộc vào tuổi thai.
Thông thường chiếm từ 2-4% các bà mẹ mang thai, thậm chí những trường hợp thai quá ngày, tỷ lệ thiểu ối lên đến 12%. Thiểu ối thường đi kèm với nguy cơ cho thai phụ và thai nhi: tăng tỷ lệ sinh mổ, tăng tỷ lệ thai suy.
Nguyên nhân thiểu ối
– Nguyên nhân do thai: dị tật thai nhi như bất sản thận. Trong tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung có tình trạng thiểu ối.
– Nguyên nhân mẹ: mẹ có tình trạng thiếu oxy dẫn tới suy tuần hoàn nhau thai.
– Khoảng 30% không tìm thấy nguyên nhân.
Ảnh hưởng của tình trạng thiểu ối
Sự thiếu nước ối sẽ làm cho hoạt động của thai nhi trong màng ối bị hạn chế. Sự co bóp của tử cung trong trạng thái thiếu ối làm đè lên thai, thai có nguy cơ bị khiếm khuyết sau khi chào đời. Ngoài ra, thai bị suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng trong tử cung cũng có thể liên quan đến thiếu ối. Thai phụ có nguy cơ bị sinh non vì suy thai.
Cách xử trí tình trạng thiểu ối
Tình trạng nước ối ít hơn so với mức bình thường nên việc xác định nguy cơ cho thai rất khó tiên lượng. Vì vậy, thai phụ nên đi khám lại và khảo sát kỹ tại bệnh viện xem:
– Lượng nước ối chính xác là bao nhiêu (trên siêu âm sẽ dựa vào chỉ số AFI hay độ sâu của khoang ối lớn nhất)?
– Hệ niệu của thai nhi có vấn đề gì không?
– Thai nhi có dấu hiệu chậm phát triển trong tử cung hay không?
– Tình trạng mẹ có bệnh lý.
Có nhiều biện pháp điều trị thiểu ối truyền thống như: truyền dung dịch đường tĩnh mạch, truyền dịch vào buồng ối. Phương pháp cho sản phụ uống nhiều nước có thể làm gia tăng lượng ối, không can thiệp vào sản phụ và thai nhi và dễ thực hiện. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý vấn đề uống nước đủ trong thai kỳ từ 2- 3 lít nước/ngày là cần thiết nhưng không phải là nguồn cung cấp nước ối chính cho thai nhi.