Lẹo mắt là một thể bệnh đơn giản, dễ chữa tuy nhiên lại dễ gây khó chịu.
Nhận biết
Ở chân của mỗi sợi lông mi có một nang lông có nhiệm vụ tiết ra chất nhờn. Khi vi khuẩn xâm nhập gây viêm sẽ khiến nang sưng to, chất bã nhờn ứ đọng lại tạo thành kén mà dân gian thường gọi là lẹo mắt.
Khi lẹo mới mọc, mi mắt sưng nhẹ, hơi đỏ, ngứa, đau, tiếp đó ở chỗ đau nổi lên một khối rắn to cỡ hạt gạo. Lẹo thường mọc ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi, sau 3-4 ngày lẹo mưng mủ và vỡ.
Nếu lẹo mọc ở phía trong mi, thường là do viêm tuyến sụn mi, nhìn phía ngoài thấy có một cục đỏ, đau, lật mi ra thấy có một khối mủ, bọc trong một bao xơ.
Nếu lẹo mọc ở góc trong gần vùng lệ đạo, viêm tấy, có nhiều mủ thì phải cảnh giác vì vùng này gần tĩnh mạch xoang hang có thể gây nhiễm khuẩn máu.
Lẹo rất hay tái phát, lan từ mi này sang mi khác, có khi sưng to cả mi mắt và gây ứ phù màng tiếp hợp.
Nguyên nhân gây lẹo
Theo các chuyên gia y tế, lẹo mắt có thể do phong nhiệt bên ngoài thâm nhập vào cơ thể, hoặc do ăn quá nhiều các thứ cay nóng, khiến cho hỏa độc uất kết ở tỳ vị gây nên.
Nguyên nhân nữa là do viêm, áp xe mủ tuyến Zeis hoặc do nhiệt độc ở vị bốc lên.
Lẹo biến chứng khiến viêm tấy nhanh, gây đau nhức. Vỡ mủ ra thì xẹp đi nhưng có thể tái phát hết chỗ này đến chỗ khác.
Chăm sóc và điều trị
Nếu không chữa dứt điểm, lẹo có thể hết rồi lại xuất hiện hoặc lây lan qua nang lông kế cận hoặc gây viêm.
Khi lẹo còn nhỏ hoàn toàn có thể dùng thuốc kháng sinh dạng mỡ hoặc dung dịch thuốc nhỏ mắt, bôi vào vùng mí mắt có lẹo mỗi ngày kết hợp với giữ vệ sinh mắt, mi mắt và vùng da quanh mắt.
Ngoài ra, bạn có thể chườm lẹo với khăm tẩm nước ấm ít nhất 4 lần/ngày, khoảng 5 phút mỗi lần.
Bạn cũng nên chú ý vệ sinh sạch sẽ tay chân cho con vì trẻ nhỏ hay dùng tay bẩn đưa nên mắt dẫn đến viêm nhiễm. Nếu tái diễn nhiều lần rất có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh mắt gây ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
Hàng ngày bạn nên nhỏ nhiều lần bằng nước muối sinh lý 0,9% để rửa mắt và tránh viêm nhiễm cho trẻ.
Lời khuyên
Nên để lẹo tự lành chứ không dùng tay nặn mủ để tránh bệnh trầm trọng hơn.
Bệnh thường tự khỏi nếu biết giữ gìn và vệ sinh đúng cách.
Cần đi khám bác sĩ nếu lẹo tiếp tục sưng to sau vài ngày nhỏ, bôi thuốc, chảy máu, mắt không chịu đựng được với ánh sáng.