Vitamin K rất cần thiết cho cơ thể con người, đặc biệt là với trẻ sơ sinh. Vậy vai trò của vitamin K như thế nào và làm sao để đề phòng thiếu loại vitamin này ở trẻ sơ sinh?
Tầm quan trọng của Vitamin K với trẻ sơ sinh
Vitamin K là một loại vitamin tan trong chất béo rất cần thiết cho cơ thể chúng ta. Có 3 dạng vitamin K: vitamin K1 (phylloquinon) có trong thực phẩm, vitamin K2 (menaquinon) được sản xuất bởi các vi khuẩn ở ruột già và vitamin K3 (menadion) là một loại thuốc tổng hợp.
Vitamin K cần cho sự tạo thành prothrombin trong gan có vai trò thiết yếu trong sự đông máu, và cũng điều hoà sự tổng hợp các yếu tố đông máu khác.
Ngoài ra vitamin K còn giúp dự phòng và điều trị xuất huyết của trẻ sơ sinh, ngăn ngừa chứng thiếu máu và chứng xuất huyết dạng nguyên huyết.
Một số lượng nhỏ trẻ sơ sinh bị tình trạng chảy máu do thiếu hụt vitamin K, hay còn được gọi là bệnh tan huyết ở trẻ sơ sinh do những trẻ này không đủ lượng vitamin K. Điều này dẫn đến việc trẻ thường hay chảy máu miệng hay mũi hoặc xuất huyết nội có thể dẫn đến tử vong.
Nguy cơ khi trẻ sơ sinh thiếu Vitamin K
Nếu không được bổ sung hoặc bổ sung vitamin K không kịp thời, trẻ sẽ bị chảy máu kéo dài ở nhiều nơi như cuống rốn, ngoài da, chảy máu mũi, đường tiêu hoá…
Chảy máu kéo dài nặng nhất là ở não. Những trường hợp chảy máu trong não nhiều, bệnh rất nặng có diễn tiến rất nhanh. Trẻ có các biểu hiện kích thích, nôn ói, thóp phồng lên, co gồng, li bì, hôn mê, yếu liệt chi, rối loạn nhịp thở, dẫn đến tử vong. Trường hợp chảy máu trong não ít, các biểu hiện thường không rõ ràng nên khó phát hiện sớm. Do não trẻ sơ sinh chưa phát triển và hoạt động, các tế bào thần kinh chưa đầy đủ, cũng chưa hoàn chỉnh do vậy các tổn thương ở não sớm thường rất nặng, gây tử vong hoặc không thể hồi phục hoàn toàn mà sẽ để lại di chứng.
Tỉ lệ di chứng não nặng của bệnh lý này lên đến rất cao, 82,9% trong nhóm di chứng. Các di chứng tâm thần vận động hoặc động kinh. Đây là những di chứng trầm trọng cho đứa trẻ, kéo dài gây tàn tật suốt thường gặp theo thứ tự là liệt tứ chi, liệt nửa người, liệt ở 2 chân, trẻ bị di chứng cũng còn bị chậm phát triển đời. Điều đáng lưu ý các bà mẹ chưa có những hiểu biết về nguy cơ này nên hầu hết họ đều không biết con mình đã tiêm phòng vitamin K hay chưa do vậy nhiều trường hợp sinh con tại nhà đã mắc bệnh vì không được tiêm vitamin K sau sinh.
Một nghiên cứu vừa được công bố tại Scotland đã chỉ ra rằng trẻ em mới sinh đến 14 tuổi không có nguy cơ ung thư bạch cầu từ việc tiêm vitamin K vào cơ thể khi còn nhỏ.
Triệu chứng khi trẻ thiếu vitamin K
Thiếu vitamin K thường xuất hiện trong thời kỳ trẻ mới sinh vào các ngày thứ 3-5 sau khi sinh, vì vi khuẩn đường ruột chưa tổng hợp đủ vitamin K, hoặc trẻ bị tắc đường mật, rối loạn tiêu hóa. Tất cả các trường hợp có bệnh chảy máu (chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu ở da, niêm mạc, mũi, miệng…) cần phải nghĩ tới thiếu vitamin K.
Ngoài ra, khi thấy trẻ bỏ bú, quấy khóc, khóc thét, nôn trớ, da xanh xao, nhợt nhạt, co giật, li bì hoặc hôn mê… nhất là trẻ ở lứa tuổi từ sơ sinh đến 2 tháng tuổi thì cần đặc biệt lưu ý nguy cơ xuất huyết não, một trong những căn nguyên hay gặp là do thiếu vitamin K. Trẻ có thể tử vong trong hai, ba ngày đầu nếu không điều trị kịp thời.
Nguyên nhân thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh
– Ở người lớn và trẻ lớn, cơ thể được cung cấp vitamin K từ các vi khuẩn đường ruột và thức ăn. Nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có lượng vitamin K trong cơ thể thấp nguyên nhân do ruột chưa tổng hợp được vitamin K trong thời kỳ sơ sinh. Một phần vitamin K được cung cấp do chuyển từ mẹ sang thai nhi qua rau thai, lượng này rất nhỏ, thấp hơn nhu cầu sinh lý, phần chính vitamin K mà trẻ nhỏ nhận được qua sữa mẹ. Nhưng lượng vitamin K trong sữa mẹ thấp hơn sữa bò, sữa bột nhân tạo. Lượng vitamin K trong sữa mẹ thay đổi từ 20-30 microgam/lít, trong khi ở sữa bột nhân tạo trên 50 microgam/lít.
– Sữa của người mẹ không được ăn bồi dưỡng trong những tháng cuối của thời kỳ thai, ở những người mẹ ăn kiêng khem sau sinh như kiêng ăn mỡ, dầu, lượng vitamin K trong sữa mẹ càng ít.
– Ở trẻ nhỏ sau sinh, lúc một tháng tuổi, vi khuẩn có khả năng tổng hợp vitamin K ở ruột chưa đủ, do đó trẻ nhỏ càng dễ bị thiếu vitamin K.
– Những trẻ nhỏ phải dùng kháng sinh sớm, bị rối loạn tiêu hóa cũng làm cho nguồn vitamin K tổng hợp ở ruột ít.
– Trẻ sơ sinh là con những bà mẹ có dùng các thuốc như rifamycin, isoniazid, bacbiturat hoặc bị nhiễm dioxin trong thời kỳ mang thai cũng dễ bị thiếu vitamin K hơn con của các bà mẹ không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.
Đề phòng thiếu vitamin K cho trẻ sơ sinh
Bạn có thể đề phòng thiếu vitamin K cho con mình ngay từ khi khi bạn mang thai và sau khi sinh bé.
Trước khi sinh
– Bạn nên bổ sung vitamin K ngay từ thời kỳ mang thai bằng cách ăn nhiều loại rau xanh, thực phẩm giàu vitamin K như: Các loại rau xanh, cải bắp, cải soong, su hào, xà lách, cải bó xôi, đậu nành, xúp lơ, hoa quả, ngũ cốc, sữa, trứng gà, đậu phụ, lợn nạc, thịt bò… Riêng thịt gà, vịt lại hầu như không chứa vitamin K.
– Thai phụ cũng nên uống vitamin K1 trước khi sinh. Cụ thể liều uống là một viên vitamin K1 5mg trước sinh từ 2 – 4 tuần và một viên vitamin K1 5mg trước khi sinh. Việc bổ sung viên vitamin K1 cho bà mẹ mang thai, sắp sinh sẽ giúp bổ sung hàm lượng vitamin K cho trẻ, tăng lượng vitamin K trong sữa mẹ. Tuy nhiên cần lưu ý, dù mẹ đã được uống vitamin K1 thì sau sinh, tốt nhất vẫn nên tiêm một liều 1mg vitamin K1 cho trẻ để phòng ngừa hiệu quả nguy cơ này.
– Bên cạnh đó, khi có thai các bà mẹ nên đăng ký quản lý thai tốt tại địa phương mình để bảo đảm trẻ được tiêm vitamin K sau sinh.
Sau khi sinh
– Để phòng tránh các nguy cơ trên các bà mẹ cần cho trẻ sơ sinh tiêm vitamin K tại các nhà bảo sinh hoặc bệnh viện Nhi ngay sau khi sinh để đề phòng những biến chứng nguy hiểm này.
– Cung cấp vitamin K cho tất cả trẻ mới sinh theo 2 phương pháp sau:
Tiêm cho tất cả trẻ mới sinh một mũi vitamin K1 1mg, hoặc vitamin K3 2mg.
Cho tất cả trẻ mới sinh uống vitamin K1 2mg, 3 lần, lần một sau khi sinh, lần hai lúc 7 ngày tuổi và lần ba lúc 1 tháng tuổi.
Cách tốt nhất là dùng phương pháp tiêm một lần cho trẻ ngay sau sinh (tiêm cho tất cả trẻ ngay sau sinh không kể trẻ đó đủ tháng hay thiếu tháng, trẻ khỏe hay yếu). Hiệu quả của sử dụng vitamin K1 và K3 là như nhau.
Trong giai đoạn sơ sinh cũng cần đưa trẻ đến bệnh viện Nhi để tiêm nhắc lại vitamin K khi có các dấu hiệu chảy máu.
– Bạn cũng nên nhớ rằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ mặc dù lượng vitamin K trong sữa rất thấp, nhưng đừng vì thế mà không cho trẻ bú sữa mẹ. Thay vào đó, để tăng lượng vitamin K, chúng ta chỉ cần một hoặc hai lần cho trẻ bú thêm sữa ngoài.
– Thông thường, không có việc thiếu vitamin K trong chế độ ăn uống vì loại vitamin này được tổng hợp bởi các vi trùng trong ruột già và phân bố rộng trong các loại rau lá xanh và thịt. Chính vì thế, ở những trẻ sau 3 tuần tuổi, các bậc cha mẹ nên chú ý đến việc cho con trẻ bú thêm sữa ngoài để tăng cường loại vitamin này trong cơ thể trẻ.