Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo trẻ em phải bỏ thói quen mút ngón tay khi chúng thay răng và khi chiếc răng cửa bắt đầu mọc cố định để tránh hàm răng bị xấu vĩnh viễn.
Vì sao trẻ thích mút tay
Trẻ em mút ngón tay cái của chúng vì nhiều lý do. Đối với trẻ sơ sinh, nó là một phản xạ tự nhiên, có thể bắt đầu từ trong bụng mẹ.
Khi trẻ lớn lên, bé tìm hiểu về cơ thể của mình và thế giới xung quanh thông qua động tác mút. Trẻ có thể ngậm ngón tay, quần áo và đồ chơi. Từ hành động này, trẻ hiểu được những gì thích thú và những gì khó chịu.
Trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhờ mút tay hoặc cắn đồ chơi mềm khi những chiếc răng đầu tiên mọc lên làm chúng ngứa lợi.
Trẻ em cũng sử dụng động tác mút để làm dịu và an ủi mình. Hành động mút cũng giúp trẻ thư giãn, dễ ngủ. Đó là lý do tại sao cha mẹ thường xuyên thấy con mút ngón tay cái khi chúng đang mệt mỏi hoặc ngái ngủ.
Trong thực tế, trẻ mút ngón cái có thể ngủ dễ dàng hơn, giúp tự ru mình trở lại giấc ngủ nhanh hơn và ngủ ngon cả đêm so với những đứa trẻ không có thói quen mút ngón tay.
Với tất cả những mặt tích cực đó thì tại sao cha mẹ lại phải cai mút tay cho bé? Dưới đây là những lý do:
Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), việc mút ngón tay cái có thể gây ra vấn đề về chỉnh hình răng, làm mất thẩm mĩ hàm răng của trẻ. Nếu bé cứ liên tục mút ngón tay chùn chụt mỗi ngày thì cha mẹ nên để ý đến những chiếc răng có thể mọc lệch để cho bé đến nha sĩ. Mặt khác, việc mút ngón tay hay gặm đồ chơi có thể gây mất vệ sinh, khiến trẻ dễ mắc bệnh giun sán.
ADA khuyến cáo trẻ em phải bỏ mút ngón tay cái khi chúng thay răng và chiếc răng cửa bắt đầu mọc cố định, thường là khoảng 5 tuổi thì mới tránh được ảnh hưởng thẩm mỹ đến răng.
Tin tốt là đa số các trẻ em thường tự bỏ thói quen mút tay trước thời điểm này.
Một số biện pháp giúp trẻ bỏ thóii quen mút tay
Thức tỉnh trẻ
4-5 tuổi cũng là lúc trẻ hiểu hơn những chỉ dẫn và dạy bảo của cha mẹ. Vì vậy hãy ôn tồn nói cho trẻ biết chúng đã lớn và cần bỏ thói quen xấu này.
Đánh lạc hướng
Khi thấy con mút tay, hãy thử đánh lạc hướng trẻ. Thu hút chúng trong một hoạt động mà đòi hỏi trẻ phải sử dụng cả hai tay. Đặc biệt là trước khi trẻ đi ngủ, hãy cho bé cầm cuốn sách để xem tranh hoặc ôm thú nhồi bông để chúng không còn rỗi rãi với ngón tay.
Nhắc nhở con
Mặc dù đã được mẹ giác ngộ cần bỏ tật mút tay nhưng đôi khi bé quên mất và như một phản xạ tự nhiên lại đưa ngón cái lên mút. Lúc đó mẹ hãy kịp thời nhắc nhở bé bằng tín hiệu bí mật giữa hai mẹ con để giúp con nhận ra việc mình đang làm.
Cho bé đến bác sỹ
Ý kiến của các bác sĩ nhi khoa và nha sĩ có thể có giá trị lớn với bé.
Nêu gương
Bạn bè rất quan trọng đối với nhóm tuổi này. Khi nói chuyện với trẻ, mẹ hãy lấy ví dụ một số người bạn của bé đã bỏ được thói quen mút tay sẽ rất hữu ích làm động lực cai mút tay cho bé.