Không dễ gì để cha mẹ chấp nhận việc đứa trẻ nói dối bố mẹ và người thân, nhưng liệu bạn có nhất thiết phải nóng giận? Giải pháp tốt nhất cho tình hình này là cần tìm cách tạo cho trẻ lòng can đảm để nhìn nhận sự thật chứ không phải dồn ép cho đến khi trẻ nhận tội.
Khi trẻ bắt đầu biết suy luận, phân biệt được phải trái, trẻ thật sự biết mình nói dối. Khi làm điều trái, vì sợ bị trừng phạt, trẻ thường phủ nhận hành động của mình hoặc đổ cho người khác để mình được “thoát tội”. Để giúp con bạn nhận ra lỗi và giáo dục trẻ tốt hơn, cha mẹ đừng bao giờ có hành vi mở đường cho trẻ nói dối.
Dù vì bất cứ lý do gì, cha mẹ cùng đừng bao giờ nói dối trước mặt bé, hoặc dạy bé nói dối. Khi muốn biết trẻ có làm điều gì sai trái hay không, cha mẹ không nên vừa hỏi vừa mớm cho bé câu trả lời như: “con không lấy đồ chơi của bạn mang về nhà mình đó chứ?” ngay cả với trẻ thành thật nhất, khi thấy mẹ đã “mở lối thoát” cho như thế trẻ cũng không ngần ngại trả lời “con không lấy ạ”.
Không dồn trẻ vào ngõ cụt, đừng đay nghiến trẻ với những chứng cớ buộc tội. Mục đích chính yếu của cha mẹ là tạo cho trẻ lòng can đảm để nhìn nhận sự thật chứ không phải dồn ép cho đến khi trẻ nhận tội. Hãy để trẻ có thời gian suy nghĩ về hành động của chính mình.
Đừng trừng phạt trẻ quá đáng. Nếu bạn làm quá, trẻ sẽ ngoan cố nói dối đến cùng, vì sợ bị trừng phạt. Ngoài sợ bị phạt, trẻ còn có thể nói dối vì bất mãn hoặc sợ xấu hổ nữa! Và không nên áp dụng những đòn tra tấn tinh thần với trẻ, nếu lúc nào mẹ cũng càu nhàu nói mãi là con chưa ngoan, chưa thành thật…, như vậy trẻ có thể càng nói dối nhiều hơn.
Với trẻ mới lớn, nói dối và phủ nhận là cách tự bảo vệ, khẳng định chính mình. Suy nghĩ có thể không đúng, nhưng chúng sợ bị kiềm chế, mất tự do, nên thay vì giải thích, phân trần nên chúng đã chọn biện pháp nói dối. Thái độ đúng đắn nhất là cha mẹ phải tạo cho con niềm tin, sự công bằng và rộng lượng để trẻ có đủ can đảm nhìn nhận việc mình làm, từ đó hình thành tinh thần trách nhiệm và tính trung thực cho trẻ.