Bạn có một thành viên mới và bắt đầu lo ngại nguy cơ tới từ những vật nuôi của bạn như chó, mèo. Vậy bạn phải làm thế nào để chúng không gây phiền nhiễu và nguy hiểm cho bé yêu của bạn?
Giới thiệu vật nuôi trong nhà với trẻ sơ sinh
– Thay đổi thói quen của vật cưng dần dần: Nếu như bạn thường có thói quen đi bộ với chúng thì khi có em bé, chắc chắn bạn sẽ không thể đi bộ với vật nuôi như trước đây. Vì thế, vợ chồng bạn nên thay phiên nhau dắt chúng đi bộ cho đến khi chồng bạn có thể đảm nhận hoàn toàn. Hoặc ôm mèo của bạn trong những lúc bạn ít bận rộn nhất trong ngày.
– Để vật cưng làm quen với trẻ sơ sinh: Cho vật nuôi nghe bản thu âm của em bé sơ sinh đang khóc. Hãy quan sát con chó của bạn từ một khoảng cách ngắn, trong khi bạn đang bế em bé trên tay xem phản ứng của chúng như thế nào…
– Bắt đầu giới hạn khu vực hoạt động của vật nuôi nhà bạn: Bạn có thể sử dụng dây buộc cổ để giữ khoảng cách vật nuôi. Việc làm này sẽ giữ cho em bé sơ sinh có một ranh giới an toàn.
– Không cho thú cưng tiếp xúc với đồ của em bé: Một số chú chó có thể nhảy lên nằm trong giường cũi hoặc nôi, xe đẩy. Những chú mèo thì muốn nằm cuộn tròn bên cạnh cơ thể ấm áp của em bé. Điều này gây nguy hiểm và có thể làm nghẹt thở cho bé. Vì thế, bạn nên không cho chúng được chạm vào đồ của bé.
– Cho vật nuôi đến bác sĩ thú y định kỳ: Hãy chắc chắn rằng vật nuôi của bạn có tất cả các mũi chích ngừa cần thiết. Nếu vật nuôi chưa được chích ngừa, thì bạn có thể hoạn những vật nuôi cái để tránh có thai hoặc thiến chúng để giảm bớt sự hung hăng.
– Hãy dạy những chú chó biết vâng lời: Bạn nên dành thời gian dạy những chú chó biết ngồi, biết ngủ ở nơi quy định và biết tránh những nơi không cần đến. Bởi vì ngay cả những chú chó thân thiện nhất cũng có thể vô tình gây thương tích cho một em bé.
Giới thiệu em bé sơ sinh với vật nuôi trong nhà
– Khi em bé mới sinh của bạn vẫn còn ở bệnh viện, bạn có thể mang một chiếc chăn của bé từ bệnh viện về nhà và để cho vật nuôi của bạn tiếp xúc với chiếc chăn này nhằm giúp chúng nhận biết được mùi hương quen thuộc của bé trước khi ở viện về nhà.
– Khi em bé về nhà, hãy để người bạn đời của bạn giữ em bé trong khi bạn chào đón những chú mèo hay chú chó của bạn. Giữ chú chó, mèo của bạn trong một dây buộc hoặc xích để chúng có thể nhìn thấy em bé từ cách xa một vài bước chân.
– Tăng những lần tiếp xúc vật nuôi với em bé một cách dần dần. Để được an toàn, bạn nên cho vật nuôi tiếp xúc từ từ với em bé và đặt ra tất cả các giả định để dự đoán hành động của chúng trước. Nếu cảm thấy hành động tiếp xúc này là không an toàn, bạn nhất định không nên thử.
– Luôn giám sát con vật cưng của bạn khi chúng gần em bé. Đừng bao giờ để chúng một mình với em bé của bạn dù chỉ là một vài giây.
– Luôn đóng cửa phòng em bé sơ sinh khi bé đang ngủ và chắc chắn rằng không có vật nuôi nào được ở bên trong.
Cảnh báo
Hãy cẩn thận nếu vật nuôi của bạn có tính khí khá hung hăng với những người khác. Nếu chúng tỏ ra không hoặc chưa quen thuộc, thân thiện với em bé sơ sinh, chúng có thể khiến em bé của bạn bị thương và khóc thét. Vì thế, bạn phải kiểm soát và để ý chúng một cách chặt chẽ.
Nếu bạn có một vật nuôi hung dữ hoặc khả năng bắt con mồi cao, hãy hỏi bác sĩ nhi khoa và bác sĩ thú y cho lời khuyên để em bé của bạn có một môi trường an toàn hơn.
Tuy nhiên hầu hết những con vật nuôi trong nhà thường hài lòng và thân thiện khá nhanh với những thành viên mới trong gia đình. Chúng thường xem em bé mới sinh như là một thành viên trong gia đình và từ đó bản năng bảo vệ các thành viên mới cũng nảy sinh trong chúng.