Bệnh bạch hầu đã có vắc xin tiêm phòng từ rất lâu, tuy nhiên chính vì sự thiếu ý thức của cha mẹ mà nhiều khi trẻ phải chịu hậu quả hết sức nguy hiểm.
Nhập viện cuối tuần qua trong tình trạng sốt, ho, khó thở, giật mình khi ngủ, bé trai 28 tháng tuổi ở quận Tân Phú (TP HCM) ban đầu được các bác sĩ nghi mắc bệnh tay chân miệng, tuy nhiên, kết quả xét nghiệm sau đó lại cho thấy bệnh nhi mắc bạch hầu. Mẹ bé thừa nhận, bé chưa được tiêm phòng văcxin ngừa bệnh.
Theo các bác sĩ, nếu không quan sát vòm họng có màng giả mạc màu trắng, dày và vùng amiđan có chốc (dấu hiệu của bạch hầu) mà chỉ căn cứ vào triệu chứng, bệnh nhi dễ bị nghi mắc bệnh khác chứ không nghĩ đến bạch hầu. Bởi lượng trẻ mắc bệnh này gần như không còn do đã có văcxin.
Các sĩ đã mở thanh quản hỗ trợ đường thở và điều trị kháng sinh, chiều 13/7, tức sau gần 4 ngày cấp cứu, sức khỏe của bệnh nhi mới tạm ổn.
Cùng mắc bệnh bạch hầu, gần một tháng trước, cũng với triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau họng, bé gái 2 tuổi ngụ ở Long An nhập viện trong tình trạng mê man. Việc điều trị không hiệu quả bởi các nhân viên y tế nghĩ bé bị viêm họng thông thường. Mãi đến khi vào Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh nhân mới được phát hiện mắc bạch hầu.
Một trường hợp khác, bé trai 6 tuổi ở Tây Ninh chỉ sau 2 ngày sốt thì chảy máu mũi, sốt cao, mạch nhanh và hôn mê. Bệnh nhân may mắn được cứu sống vì người lớn đưa ngay đến bệnh viện. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy bé bị bạch hầu mạn tính.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, bạch hầu là bệnh nhiễm cấp tính, lây theo đường hô hấp, gây tổn thương chủ yếu ở hầu, họng, thanh quản, mũi.
Mỗi năm, chỉ riêng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có từ 7 đến 10 trẻ nhập viện vì bệnh này. Nhiều bé đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do biến chứng viêm cơ tim, viêm dây thần kinh. Hầu hết bệnh nhi đều không được tiêm văcxin phòng bệnh.
Dấu hiệu thường thấy là xuất hiện màng giả ở nơi nhiễm khuẩn. Ngoài việc gây vết thương tại chỗ, ngoại độc tố bạch hầu còn tác động lên cơ tim, thần kinh ngoại biên và thận, gây biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong rất nhanh.
Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu lây qua tiếp xúc với chất tiết từ đường hô hấp, hoặc với những đồ vật dính chất bài tiết từ vết thương của người bị bệnh. Trẻ được tiêm phòng đầy đủ sẽ không bị bệnh vì đã có kháng thể.
Văcxin ngừa bạch được tiêm miễn phí phổ biến tại các trạm y tế, các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng. Bé được tiêm tổng cộng 3 mũi gồm mũi đầu lúc hai tháng tuổi, mũi 2 vào tháng tuổi thứ ba và mũi cuối vào tháng thứ tư.