“Sợ đi học” là một biểu hiện tâm lý không hiếm ở trẻ và khi con bị biểu hiện này thì bạn sẽ phải làm gì? Hãy bắt đầu từ câu chuyện bé Bi nhé.
Không hiểu sao cứ mỗi lúc sát giờ đi học là bé Bi (6 tuổi), con trai chị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) lại cảm thấy đau đầu, đau bụng.
Mỗi lần bé bị như vậy chị Lan đều xin nghỉ học cho con và lo lắng đưa con đi khám bệnh, nhưng vừa đến nơi thì Bi lại khỏe mạnh bình thường?!! Tìm hiểu qua sách báo và các trang web, chị Lan đã phát hiện ra rằng con trai mình đang mắc bệnh… “sợ đi học”.
Thực chất đây là căn bệnh rất phổ biến ở trẻ em, nhất là các bé học mẫu giáo hay tiểu học. Người lớn cũng hay cảm thấy chán chường khi đi làm nhưng họ vẫn phải nén cảm giác này xuống và đi làm bình thường. Còn ở trẻ nhỏ, nhiều em do sợ đi học nên nghĩ cách nói dối, bịa chuyện mình bị bệnh; hoặc cũng có thể do quá sợ nên các em bị bệnh “tạm thời”, khi biết không phải đi học nữa thì lại trở về trạng thái bình thường. Trường hợp của bé Bi ở trên là một ví dụ.
Làm gì khi con mình mắc bệnh sợ đi học?
1. Nói chuyện với con bạn lý do tại sao con không muốn đi học. Bạn phải chú ý cách nói chuyện sao cho thật nhẹ nhàng và động viên con giải thích lý do. Có vô vàn lý do khiến bé cảm thấy sợ hãi như: áp lực điểm số, bài tập, mối quan hệ với thầy cô, bè bạn xung quanh, bạo lực học đường… Bạn phải tìm ra được nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng hiện nay của bé.
2. Bên cạnh việc tỏ ra quan tâm, thấu hiểu cho những áp lực mà con bạn đang gánh chịu, bạn cũng phải thể hiện thái độ dứt khoát khi con ỉ ôi xin nghỉ học. Phân tích cho con hiểu rằng đi học là nghĩa vụ, trách nhiệm chứ không phải cứ muốn là nghỉ. Đồng thời nói cho con biết sức khỏe con đang rất tốt, chẳng qua là do con đang bị lo lắng. Đừng bao giờ thỏa hiệp để con bạn nghỉ học, làm như vậy là chính bạn đang tạo thói quen xấu cho bé.
3. Hãy trao đổi với cô giáo của bé và thậm chí trao đổi với phụ huynh của bạn bè bé nếu như con bạn đang gặp áp lực từ bạn bè mình. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên và phụ huynh sẽ giúp con bạn sớm thoát khỏi nỗi sợ đi học.
4. Mỗi sáng thức dậy, nếu con bạn lại kêu ca phàn nàn về sức khỏe của mình và xin nghỉ học thì bạn đừng tỏ ra lo lắng thái quá, làm như vậy bạn sẽ “mắc mưu”. Thay vào đó bạn phải tỏ thái độ bình thường, nói với con rằng bạn sẽ gọi điện cho cô giáo để hỏi sức khỏe của con khi con đang ở lớp. Đồng thời trấn an con rằng bạn đã giải quyết xong các vấn đề con bạn đang gặp phải rồi. Tuyệt đối không hỏi con những câu như: “Hôm nay con thấy thế nào?”, “Con còn đau đầu không?”…
5. Khuyến khích con bạn tham gia các họat động ngoại khóa hoặc chơi các môn thể thao để bé dễ dàng hòa nhập với cộng đồng và năng động, yêu đời hơn.