Vào những năm cuối cấp II, các cô cậu học trò ngây thơ, trong sáng sẽ bước vào tuổi dậy thì với những cảm nhận mới về giới. Đây là giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người, ảnh hưởng nhiều đến tương lai của các em. Cha mẹ và nhà trường phải sát cánh để giúp các em trưởng thành hơn và tránh xa những chuyện đau lòng.
Người mẹ của đứa con vừa được cứu sống tại bệnh viện Bình Dân TP.HCM, chia sẻ: “Không biết nó nghĩ gì, có chuyện gì buồn… Đột nhiên, nhận được điện của bạn nó nói nó có ý định tự tử, tôi mở cửa phòng thấy nó nằm mê man”…
Vâng, hên là cô bạn thân của bé Hồng Trâm cảnh báo kịp… Tuy nhiên, khoan nhìn vào “cái hên”, hãy có câu hỏi cấp thiết hơn trong việc này: Tại sao Hồng Trâm kể cho bạn nghe ý định tự tử, mà không chia sẻ với người được xem là gần gũi với em nhất, đó là mẹ em?
Nhiều bậc cha mẹ luôn nghĩ cho con tất cả những gì con yêu cầu là có thể bắt con làm theo ý mình. Ý của ba mẹ luôn muốn tốt cho con, đó là HỌC. Tuy nhiên, không phải lúc nào học cũng tốt cho con. Em Minh Trí, học sinh trường THPT tại Q.1 tâm sự: “Mẹ luôn bắt em học giỏi, mời cả gia sư về kèm. Lúc nào cũng học. Em muốn xem một bộ phim hay, muốn đi sinh nhật bạn cũng không được”. Lên 11, một lần mẹ đến rước trễ, Minh Trí vào tiệm net chơi và mê luôn. Mẹ vừa đưa em đi chữa bệnh nghiện game online, vừa mắng chửi em không biết vâng lời, chỉ học cũng không xong… mà không hiểu con mình cũng cần những quan hệ xã hội của riêng em như bạn bè, sinh hoạt trường lớp…
Học sinh lên lớp 8, theo những giáo viên thâm niên trong nghề, thường lười hơn, mơ màng hơn, và lo chơi nhiều hơn. Thời điểm này cha mẹ phải cố lái con theo con đường chính hơn là ra lệnh cho con. Thí dụ, khi con có những “rung động đầu đời”, cha mẹ cần quan tâm, hỏi han. Nếu con chia sẻ mình đang thích cô bạn (anh bạn) cùng lớp, cha mẹ không nên la rầy: “Con nít lo học đi, bày đặt yêu đương”.
Chị Khanh, 63 tuổi, con gái chị đã gần 40, vẫn có thói quen tâm sự cùng chị chuyện riêng để xin ý kiến. Chị Khanh chia sẻ kinh nghiệm: lúc nhỏ, con chị cũng lười học vì thầm yêu trộm nhớ một “ai đó”. Thay vì la mắng, cấm đoán, chị hỏi han con về đối tượng đó, chủ động tổ chức sinh nhật cho con để quan sát “tầm ngắm” của con mình. Khi thấy “người ấy” chỉ xem con chị như bạn, chị nhỏ nhẹ phân tích cho con thế nào là những rung động đầu đời, những ngộ nhận tình cảm ở tuổi học sinh.
Bằng cách trò chuyện với con, người mẹ tạo được sự tin tưởng của con. Ngược lại, Thu Lan cũng luôn quan tâm đến mẹ… Giờ đây con chị cũng đã trưởng thành, mối quan hệ giữa hai mẹ con luôn hết sức tốt đẹp. Bạn bè chị Khanh luôn than con cái không đoái hoài tới và luôn ganh tỵ với chị. Họ không hiểu rằng, muốn con chăm sóc mình tốt, muốn con quan tâm đến mình, chị Khanh đã có một quá trình dài tạo mối dây liên hệ mật thiết với con. Chị đã “cho” con trước khi đòi con “ cho” mình, hoặc làm theo ý mình.
Học sinh ở cấp 3 là “tuổi nổi loạn”. Nếu cha mẹ có “mối quan hệ” tốt với con, thường tâm sự với con thì chẳng là một vấn đề quá lớn khi nghe con học yếu một môn học nào, hoặc bỏ tiết, bỏ lớp…đi chơi với bạn. Ba mẹ sẽ dễ dàng tìm hiểu nguyên nhân và uốn nắn con kịp thời thay vì “bắt” con phải làm theo “lệnh” mình. Khi biết con thường xuyên bỏ tiết toán, anh Hoàng Minh đã hỏi han con trai 16 tuổi của mình đang là học sinh lớp 11. Không khó khăn gì để con anh chia sẻ vấn đề: do một sự hiểu lầm, giáo viên có “thành kiến” với con. Anh đã đến gặp thầy dạy toán, giải tỏa hiểu lầm, đồng thời mời gia sư kèm riêng con trai môn toán, lấy lại căn bản để đuổi kịp chương trình.
Tâm sự cùng con không chỉ giúp cha mẹ hiểu con, hướng dẫn con cách sống, mà còn giúp con hiểu cha mẹ, cảm thông với ba mẹ. Trong lớp 12 của một trường THPT ngoại thành TP.HCM, giáo viên thường chú ý Quốc Việt, một học sinh cao ráo, đẹp trai, ăn mặc tươm tất…nhưng cách xài dụng cụ học tập, tập vở… thật tiết kiệm. Bên cạnh đó em luôn đối xử tốt, chừng mực với bạn bè, không chơi gác, không lợi dụng bạn, cũng không la cà sau giờ học. Cô giáo tìm hiểu, em thành thật: “Ba mẹ em cực khổ lắm cô à. Em đi học tốn tiền nên tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu”. Cô giáo đến thăm mới biết gia đình em chẳng nghèo khó lắm nhưng Quốc Việt không chỉ biết sống cần kiệm mà còn biết dùng tiền tiết kiệm của riêng mình để mua quà, thể hiện sự chăm sóc người thân.
Vì vậy, một khi con cái xa cách với ba mẹ, thì các bậc phụ huynh hãy nhìn lại mình đã đủ gần gũ̉i để tạo sự tin tưởng cho con cái chưa?