Ngày 13/4, hai bệnh viện nhi tại TP HCM điều trị nội trú cho gần 60 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng. Các bác sĩ cho biết, bệnh này rất dễ nhầm với viêm phổi, dại, yếu chi, sốt xuất huyết, dị ứng, nhiễm trùng, nhiễm virus…
Nhiều trẻ mắc 5 – 7 lần
Ngồi chờ bác sĩ tái khám, mẹ cháu T., 6 tháng tuổi, cho biết, lúc đầu chị chỉ thấy một vết đỏ ở chân con, nhưng tưởng do kiến cắn. Chỉ khi bóng nước nổi khắp toàn thân, chị mới phát hiện con mình mắc bệnh tay chân miệng. Hiện cháu đang Bệnh viện Nhi Đồng 2 theo dõi để ngừa biến chứng.
Chỉ trong tháng ba, bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị cho 163 ca bệnh nặng trong tổng số 1.507 trẻ đến khám bệnh, tăng hơn gấp đôi so với tháng trước đó. Bác sĩ Nguyễn Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết từng tiếp nhận một số trẻ mắc bệnh này tới 5-7 lần.
Khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM. Ảnh: Nguyễn Thanh. |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cảnh báo, trẻ từng mắc tay chân miệng vẫn có thể mắc lại như thường. Đáng lo ngại, nhiều người vẫn lầm tưởng mắc bệnh rồi sẽ không bị lại nên chủ quan.
Chỉ có 10% trẻ mắc tay chân miệng xảy ra biến chứng nhưng rất khó phát hiện sớm nếu không được chú ý. Trẻ biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức giấc, hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ. Dễ thấy hơn là trẻ có biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run chi, co giật. Một số trẻ còn xuất hiện triệu chứng sốt cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh, yếu tay chân, méo miệng.
Thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi
Bệnh tay chân miệng xảy ra vào hai đợt trong năm, tháng 2 – 4 và tháng 9 – 12. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là học sinh các lớp mẫu giáo, nhà trẻ. Bệnh lây lan rất nhanh qua đường tiêu hóa với thời gian ủ bệnh trung bình 3 – 6 ngày. Do chưa có vaccine nên cách phòng bệnh tốt nhất là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống.
Theo bác sĩ Việt, trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học, tránh tiếp xúc với các trẻ khác do bệnh rất dễ lây khi tiếp xúc các chất tiết dịch mũi miệng, nước bọt, hắt hơ. Giáo viên cần nhắc nhở học sinh rửa tay thường xuyên, vệ sinh bàn ghế, sàn nhà sạch sẽ, mở cửa thoáng mát.
Nếu thấy trẻ nổi bóng nước có kích thước 2 – 10 mm, màu xanh, hình ô van ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau, phụ huynh phải đưa trẻ đến ngay bác sĩ để được thăm khám. Khi nổi bóng nước, trẻ có thể sốt nhẹ. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng, gây đau và bỏ ăn. Bóng nước sẽ tự xẹp sau 5 – 7 ngày hết bệnh. Theo bác sĩ Khanh, một số trẻ còn kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp. Phần lớn các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi, nên cho ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, chia thành nhiều bữa để tránh đau miệng.
Nguyễn Thế Hoàng đã bình luận
Con trai tôi hiện đã 11 tháng tuổi,sáng nay đi khám về thì được Bác sỹ chuẩn đoán là bệnh Viên miệng rộp nước do vius đường ruột với phát ban (Độ I).sao thấy cách Bác sỹ mỗi nơi cho đơn thuốc rất khác nhau,mặc dù đều cùng mức độ bệnh.
Hoàng văn thưởng đã bình luận
Con gái tôi hiện nay đã hơn 1 tuổi, sáng nay cháu đi khám về thì được các bác sỹ chuẩn đoán là bị bệnh chân tay miệng ở mức độ nhẹ và đã cho về nhà điều trị. tôi là bố nhưng đã không có thời gian chăm sóc bé vì phải đi làm xa. Khi nghe tin cháu bị bệnh tôi đã vào website tìm hiểu thông tin về bệnh và thấy đây cũng là 1 bệnh rất nguy hiểm. Đọc xong 1 số thông tin tôi đã rất lo lắng. Tôi muốn hỏi bắc sỹ nếu chắm sóc bé ở nhà như chỉ đẫn trên website và của bác sỹ thì khoảng bao lâu cháu có thể khỏi bệnh, và hiện tại ở giai đoạn đầu của bệnh với sự chăm sóc như thế thì khả năng bệnh bị nặng hơn có cao không ?. tỷ lệ để lại di chứng của bệnh như thế nào?
Rất mong sớm nhận được lời khuyên của bác sỹ. TÔI XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN!
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bệnh tay-chân-miệng thường gặp ở trẻ nhỏ do virus, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, dễ tái nhiễm, biến chứng nặng khi nhiễm phải chủng đã biến đổi gen. Bé của bạn có thể mắc nhẹ và chủng bình thường nên BS cho điều trị tại nhà. Bé cần được chăm sóc tốt về dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, cần VS răng miệng, rửa xà-phòng chân tay thường xuyên sau khi chơi đồ chơi, sau chơi với bạn bè, tiếp xúc các đồ vật của nhà hàng xóm, lớp học ..v..v. Cần rửa xà-phòng đồ chơi nhựa, gỗ…và phơi nắng nếu có thể. Sàn nhà, bàn ghế, giường cũng nên lau bằng nước sát khuẩn Chloramin 0,5% 2 lần/ tuần (tại thời điểm bé đang bệnh nên lau hàng ngày và rửa đồ chơi ngay trong ngày). Mở rộng cửa sổ, cửa ra vào lấy ánh nắng vào nhà diệt vi khuẩn, virus. Nếu chăm sóc tốt và điều trị theo thuốc BS kê đơn, bé không bị bội nhiễm thì 3- 5 ngày bé khỏi. Nguời lớn chúng ta cũng là người mang mầm bệnh về cho trẻ vì đi tứ phương, gặp đủ loại người, tiếp xúc đa đồ dùng nhưng không rửa tay, súc miệng khi về nhà rồi bế , chơi, hôn hít bé làm truyền bệnh cho bé, vì thế cũng nên tạo thói quen VS cá nhân thay áo quần trước khi ngồi chơi với con cháu.
Đỗ Văn Trường đã bình luận
Con trai tôi 12 tháng tuổi, cách đây mấy ngày cháu bị sốt và có dấu hiệu loét miệng, hay chảy dãi, biếng ăn vì đau miệng.Tôi đã cho cháu đi khám bác sĩ và lấy thuốc về điều trị.Nhưng đến nay mặc dù cháu đã hết sốt nhưng vẫn loét miệng và quấy khóc thường xuyên ( trước đây bé rất ngoan).Cho tôi hỏi đây có phải là dấu hiệu bệnh chân tay miệng không? Cháu không có bóng nước ở chân và tay ,chỉ có 1 nốt nhỏ dưới môi .Mong sớm nhận được lời khuyên của MYC.
Rất cảm ơn bác sĩ.
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn nên VS răng miệng cho bé thật tốt. Chắc hiện tại bé đã khỏi. Xin lỗi vì chưa đáp ứng kịp yêu cầu của bạn.