Hỏi: Tôi có con trai – vừa tốt nghiệp trường mầm non. Cháu lớn hơn tuổi, biết đọc, làm toán … Ở trường được đánh giá là thông minh. Dạo này cháu rất bướng bỉnh, thường hay lý luận đến mức như là cãi lại. Tôi rất lo đến trường cháu sẽ vẫn rất bướng bỉnh và thường xuyên tranh luận. Vậy mong thầy và cô tư vấn.
Trả lời: Đối với rất nhiều trẻ em thông minh thường kèm theo cá tính bởi vì trẻ biết trẻ có khả năng làm được cái gì, trong khi đó nhiều cha mẹ lại hay đánh giá thấp trẻ, hay áp đặt những ý tưởng của mình lên trẻ, đòi hỏi trẻ phải thực hiện những nhiệm vụ, những yêu cầu mà trẻ không thích. Điều tất yếu những trẻ thông minh có cá tính thường không thích những sự áp đặt, thích làm theo ý mình, thích lý luận, thậm chí cãi lại… Dưới con mắt của người lớn, đây là sự bướng bỉnh, không ngoan. Thật ra, không phải như vậy.
Sự lý luận, sự bướng bỉnh của trẻ nhiều lúc là cơ hội tốt để các phụ huynh trao cho trẻ cơ hội để được nói ra những ý nghĩ của mình, để giải thích cho những hành vi của mình. Cha mẹ cần khuyến khích dù biết rằng những giải thích của trẻ chưa hợp lý nhưng vẫn cần khen trẻ và tìm cách đưa ra bằng chứng để trẻ nhận thấy những lý luận của mình có vẻ chưa hợp lý, lúc đó trẻ có thể dễ dàng chấp nhận ý tưởng của người lớn.
Cha mẹ có thể thông qua trò chơi và các quy tắc chơi để cùng tham gia chơi với trẻ, trong những tình huống nào đó cha mẹ đóng vai những người chơi sai quy tắc, gặp lỗi, thậm chí tỏ ra bướng bỉnh để trẻ có cơ hội tranh luận, giải thích với tư cách là người tuân thủ các quy tắc chơi, lúc đó, cha mẹ sẽ nhận thấy giống như người lớn thực sự, những bướng bỉnh, lý luận của trẻ trở nên thực sự có ích. Cha mẹ cũng giúp trẻ sử dụng những cách quan sát sự vật, hiện tượng từ các góc độ khác nhau, ra khỏi những suy nghĩ khô cứng để có cách nhìn của một đứa trẻ biết kỹ năng giải quyết vấn đề. Điều này rất quan trọng để giúp trẻ thành công học đường.