Thấy đứa con 8 tháng tuổi ngủ li bì từ 7h tối đến tận sáng hôm sau không dậy, chị Hoa (TP HCM) vội đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị chấn thương sọ não.
Buổi chiều trước đó, bác của bé Đoan Trang (tên con gái chị Hoa) đón cháu bé từ nhà trẻ về, đến 7 giờ tối thì bé ngủ. Sáng hôm sau, người bác định đưa Trang đến nhà trẻ thì thấy bé vẫn ngủ li bì. Lo lắng, gia đình vội đưa cháu đi khám. Thấy bệnh nhi đã ở tình trạng hôn mê sâu, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị chấn thương sọ não, chụp C.T phát hiện máu tụ dưới màng cứng. Qua tìm hiểu, gia đình mới biết bé Trang bị ngã ở nhà trẻ.
Bác sĩ Đặng Ngọc Dũng, thuộc khoa Ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết, chấn thương sọ não ở trẻ thường do tai nạn trong sinh hoạt hoặc giao thông. Các tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ là ngã cầu thang, ngã võng, bế trượt tay, ngã do sàn nhà trơn… Nạn nhân thường ở độ tuổi 1-3, đang chập chững tập đi. Còn tai nạn giao thông thường gặp nhiều ở lứa tuổi đi học, trong lúc trẻ tự đạp xe hoặc do người lớn chở…
Không ít trẻ đã bị tử vong hoặc có di chứng sau mổ do cha mẹ không phát hiện trẻ bị chấn thương, hoặc chủ quan nghĩ trẻ không hề gì nên không đưa đến bệnh viện điều trị sớm. Bác sĩ Dũng nhấn mạnh, khi bị chấn thương sọ não, bệnh nhân phải được chuyển đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào thời gian cấp cứu. Nếu điều trị sớm, trẻ sẽ phục hồi như bình thường; ngược lại sẽ tử vong hoặc mang di chứng nặng nề.
Các dấu hiệu chấn thương sọ não
Trong trường hợp bị chấn thương đầu, nếu thấy trẻ có một trong những dấu hiệu kể sau, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay:
- Ngay sau ngã, trẻ bất tỉnh hơn 1 phút.
- Ngay sau ngã, trẻ vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại xuất hiện những dấu hiệu tri giác bất thường (kích động khó dỗ; ngủ nhiều; lơ mơ, tiếp xúc kém hoặc bất tỉnh hoàn toàn).
- Sau chấn thương đầu, trẻ nôn trên 5 lần trong một thời gian ngắn hoặc nôn kéo dài hơn 6 giờ (mà trước đó trẻ bình thường).
- Thóp của trẻ sau một thời gian chấn thương bị phồng, căng lên, kèm theo vẻ mặt xanh xao.
- Trẻ bị chấn thương nhiều nơi, có máu chảy nhiều.
Theo bác sĩ Phạm Thị Kim Loan, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, để hạn chế tai nạn chấn thương cho trẻ, cha mẹ nên cho con đội mũ bảo hiểm khi chở bằng xe máy. Tránh đặt trẻ nhỏ nằm ở giường quá cao so với mặt đất; phía dưới giường hoặc võng nên lót nệm. Gia đình có cầu thang cần làm cửa ngăn lại. Nhà có chấn song cầu thang thì nên làm với khoảng cách hẹp để trẻ không chui qua được. Sau khi lau nhà, sàn nhà thường rất trơn, vì nên canh chừng không cho trẻ đi lại trong lúc này. Đối với trẻ hiếu động thì phải chỉ cho trẻ biết những mối nguy hiểm có thể xảy ra khi chơi đùa, tránh leo cây, đến những nơi đang sửa chữa…
ngoc đã bình luận
thua bac si,,con toi duoc 8 thang tuoi roi ,bay gio be dang tap dung ,nhung moi khi dung be dung ko vung lai bi nga dop 1 cai,,be thuong xuyen bi nga nhu vay thi co anh huong j toi sọ não khong,,o chieu cao bao nhieu thi nguy hai toi nao cua be ,,va thinh thoang be cung co dau hieu nôn ,nhung 1 tieng thi khoang 1 lan thoi,,be ko ngu li bi va ko quay khoc j ca,va an uong rat binh thuong,,xin bac si tu van cho em voi,,em xin tran thanh cam on,,