Trong cuộc sống hiện đại, trẻ em ngày càng bị nhiều áp lực hơn bởi những yêu cầu cao của bố mẹ trong cuộc sống, học tập, sinh hoạt hay cách ứng xử… Điều đó không có gì lạ bởi nếu không đưa vào khuôn phép thì đứa trẻ rất dễ ỷ lại, kém tự lập, kém ứng xử hay thiếu ý chí tiến thủ… nhưng ngược lại nếu “quá rắn” thì có phải là biện pháp hay?
Sai: từ tối hậu thư đến tra vấn
Sáng nào thức dậy, “bữa điểm tâm” của H. là mảnh giấy được mẹ gắn sẵn trước cửa phòng với những câu mệnh lệnh: “Nhớ làm 5 bài toán nâng cao”, “Anh văn học thuộc 20 từ mới”, “Đi học về đúng giờ” v.v.. Nếu H. không làm tốt thì sẽ phải chịu trận với những lời ca thán và kết tội của mẹ. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, mẹ đều can thiệp và bắt H. phải làm theo ý mẹ, nếu cãi lại thì thế nào cũng có một màn tra vấn tại sao “trứng mà đòi khôn hơn vịt”!
Nhiều cha mẹ bỏ công bỏ sức chăm lo cho con và đáp ứng mọi nhu cầu, mong muốn của con, đổi lại họ luôn cảm thấy buồn và thất vọng vì con cái không làm được nhiều so với kỳ vọng. Càng lo lắng cho con, cha mẹ càng cho mình cái quyền bảo ban áp đặt con cái, nên đến khi con cái không thực hiện tốt yêu cầu của mình, họ sẵn sàng trút giận lên con bằng những lời lẽ xúc phạm nặng nề.
V., 15 tuổi rất ác cảm với bố vì bố bận việc, mỗi tuần chỉ tranh thủ gặp V. một lần khoảng mười phút, trong thời gian đó V. thấy căng thẳng và mệt mỏi với những tra vấn của bố. Tranh thủ thời gian gặp mặt con, bố liệt kê một loạt chuyện liên quan đến V., toàn những chuyện mà bố không hài lòng, sau đó là quở trách… Chưa bao giờ được bố lắng nghe và chia sẻ, chính vì vậy V. luôn cảm thấy bị hẫng hụt tình cảm; từ đó nảy sinh thái độ phản kháng bằng cách trơ lì, sống khép kín và ương bướng.
Đúng: từ trái tim đến trái tim
Những điều cha mẹ dạy con sẽ có giá trị khi được đứa trẻ hấp thụ bằng trái tim chớ không phải bằng đôi tai, vì vậy cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của trẻ, lắng nghe và chia sẻ cùng con, chớ chọn con đường giáo huấn một chiều theo lối áp đặt, chắc chắn trẻ sẽ ứng phó theo kiểu “vô tai này, ra tai kia”.
Thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp từ hai phía dựa trên sự tôn trọng và tin cậy con cái, cho phép trẻ được độc lập và trưởng thành theo lứa tuổi; bằng cách xây dựng ý thức tự giác trong cuộc sống để trẻ biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình, qua đó giúp trẻ nâng cao lòng tự trọng, nhận ra được tầm quan trọng của các quyết định bản thân trong việc chọn lựa thái độ sống tích cực và hành vi ứng xử đúng đắn; cha mẹ cần nắm được cảm xúc của trẻ để định hướng cho con có suy nghĩ và hành động phù hợp.
Trước những điều không hài lòng về con cái, cha mẹ cần ứng xử khéo léo. Những lời kết tội, lên lớp… của người lớn dễ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, không những không giúp trẻ nhận ra sai trái mà ngược lại càng làm trẻ thêm kích động. Chỉ có đồng cảm với con, chia sẻ cùng con mới giúp trẻ tự nhận ra thiếu sót và tăng thêm sức mạnh thay đổi bản thân để sống tốt với niềm tin và mong muốn của bố mẹ.
Các bạn trẻ nghĩ gì?
Với những yêu cầu không phù hợp, em sẽ thoả hiệp với ba mẹ Khi ba mẹ đưa ra “tối hậu thư” với em, trước tiên em sẽ suy xét xem việc đó có phù hợp với em hay không, em có thích hay không. Nếu nó nằm trong khả năng của em thì em sẽ có động lực thực hiện. Nếu mục tiêu đó quá xa vời thì tất nhiên chỉ làm em thêm nản chí. Với những yêu cầu không phù hợp, em sẽ thoả hiệp với ba mẹ xem sao, biện dẫn tất cả các luận điểm để thuyết phục ba mẹ, nếu không được thì phải đấu tranh thôi (theo em là vậy), vì 18 tuổi là đã biết suy nghĩ làm chủ bản thân rồi, ta chỉ làm được và làm tốt những gì ta thích mà thôi! (Nguyễn Đình Quang Khương, sinh viên đại học kinh tế TP.HCM)
Em sẽ đặt mình vào vị trí của ba mẹ để suy nghĩ
Khi ba mẹ bắt buộc em làm điều gì đó thì em sẽ đặt mình vào vị trí của họ để suy nghĩ, vì ba mẹ làm mọi chuyện cũng lo cho mình mà thôi, nên phải xem xét, nhìn nhận để đánh giá vấn đề khách quan nhất. Còn nếu ba mẹ đưa ra “tối hậu thư” không phù hợp, thường thì em phản ứng ngay, và thuyết phục cho bằng được để ba mẹ hiểu hơn. Em nghĩ cứ nói chuyện nghiêm túc thì ba mẹ sẽ lắng nghe thôi. (Nguyễn Tuấn Anh, Lớp 12 lý THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, Kiên Giang)
Nếu không thích nên tìm cách nói thẳng
Có lần, mẹ bắt em ở nhà bà con trên thành phố để học vì sợ em ở một mình không ai quản lý. Nhưng em không thích ở chung với người quen trên thành phố vì nhà thì chật mà lại xa trường. Khi đó, em đã có buổi nói chuyện để nói rõ ý kiến của mình và xin mẹ được ở ký túc xá vừa gần trường, lại vừa có quản lý rõ ràng. Sau một thời gian, mẹ thấy em ở riêng cũng ổn lại trưởng thành hơn nên mẹ hoàn toàn yên tâm.
Em nghĩ, khi ba mẹ đưa ra những tối hậu thư mà mình cảm thấy không phù hợp, nên tìm cách nói thẳng với ba mẹ và kèm theo đó phải là những dẫn chứng hay lời hứa có tính thuyết phục. (Trâm Hồng Ngọc, sinh viên đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Chống đối và bất hợp tác không giải quyết được vấn đề
Khi ba mẹ đưa ra những quy định, bắt buộc với mình tức là ba mẹ thấy đó là điều cấp bách, cần thiết cho con cái. Thế nên phấn đấu vượt qua được cái tối hậu thư ấy cũng là giúp chính bản thân mình. Với những yêu cầu không phù hợp thì em cùng ba mẹ ngồi lại nói chuyện, tránh trường hợp chống đối và bất hợp tác sẽ không giải quyết được vấn đề (Nguy Hữu Tiến, lớp 12A5 THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM)