Theo kết quả nghiên cứu vừa được các bác sĩ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM công bố thì: Nếu mẹ nhiễm giun lươn, giun móc thì khi sinh con, làm giảm sức đề kháng của vaccine ngừa lao. Ngoài ra, sản phụ nhiễm giun sán còn có nguy cơ gây sảy thai, con dị tật.
Nhiều trẻ không đáp ứng với vaccine BCG
TS.BS Mai Nguyệt Thu Hồng, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho biết, nghiên cứu khảo sát trong 2 năm trên 323 cặp thai phụ và trẻ sau khi sinh được 6 tháng tuổi thì có đến 41% thai phụ nhiễm giun đũa chó mèo, 18% nhiễm giun móc và tỷ lệ nhiễm giun lươn là 8%.
Trong đó, giun móc và giun lươn là hai “thủ phạm” chính, gây giảm hiệu quả của vaccine BCG – ngừa lao trên trẻ. Cụ thể, ở nhóm trẻ có mẹ nhiễm giun lươn, tỷ lệ không đáp ứng với vaccine là 11%.
Tương tự, ở nhóm trẻ có mẹ bị nhiễm giun móc, tỷ lệ không đáp ứng với vaccine là 24%. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gián tiếp khiến trẻ mắc các thể lao cấp tính, lao nặng, dẫn đến tử vong. Theo BS. Thu Hồng, đây là vấn đề đáng quan tâm, bởi Việt Nam là một trong những nước có số người mắc lao khá cao, với tỷ lệ 192/100.000 dân và Việt Nam cũng là vùng dịch tễ nhiễm ký sinh trùng rất cao, từ 30% – 60%.
BS. Thu Hồng còn cho biết, những trẻ suy giảm miễn dịch hoặc không đáp ứng với vaccine BCG dễ bị các thể lao cấp tính, lao nặng như: Lao màng não, lao kê. Nếu không phát hiện và điều trị kịp, trẻ dễ bị di chứng bại não, liệt chi, động kinh.
Thậm chí, khi phát hiện sớm, trẻ vẫn có thể tử vong do mắc lao cấp tính, lao nặng. Nếu không mắc lúc nhỏ, đến khi trưởng thành, cũng có thể mắc lao phổi. Một nghiên cứu khác mới đây của Viện Pasteur TP HCM trên 261 trẻ từ 12-15 tuổi cho thấy, gần 48% trẻ không đáp ứng với vaccine BCG.
“Do hiệu quả của vaccine phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Chủng vi khuẩn lao dùng để sản xuất vaccine, độc lực của chủng vi khuẩn lao gây bệnh, yếu tố di truyền của cá thể nhiễm vi khuẩn lao, phơi nhiễm với các dòng vi khuẩn lao không điển hình khác.
Ngoài ra, hiệu quả của vaccine BCG rất khác nhau, tùy từng vùng mà hiệu quả thay đổi từ 30% – 90%. Do đó, các nhà khoa học đang cố gắng phát triển vaccine ngừa lao mới hữu hiệu hơn, hy vọng sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian tới“- BS. Thu Hồng cho hay.
Nguy cơ dị tật và sảy thai cao
Đề phòng ngừa giun, các bác sĩ khuyến cáo nên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, rửa rau sống kỹ trước khi ăn, không ăn thịt heo, thịt bò nấu chưa chín, không đi chân đất…, đặc biệt với những phụ nữ chưa sinh con hoặc đang có ý định sinh con bởi ngoài việc giảm hiệu quả của vaccine, mẹ nhiễm giun sán có thể bị sảy thai, con bị dị tật.
Theo BS. Thu Hồng, với những trẻ chưa có phản ứng với vaccine BCG có thể chích lại lần hai. Nếu vẫn không phản ứng với vaccine, cần cách ly trẻ với bệnh nhân lao, đồng thời phải thường xuyên giữ vệ sinh môi trường xung quanh để hạn chế sự phát tán của vi trùng lao. Tuy nhiên, biện pháp này phải chờ ý kiến của Bộ Y tế.
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cảnh báo, nếu nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii – ký sinh trong dạ dày của mèo, thai phụ có nguy cơ sảy thai trong ba tháng đầu thai kỳ, thậm chí có thể sảy thai liên tục vào những lần mang thai sau đó. Ngoài ra, ký sinh trùng này còn tấn công vào não em bé qua nhau thai, gây tắc đường dẫn lưu các dịch não tủy, khiến trẻ bị não úng thủy.
BS. Mạnh Siêu cũng nhấn mạnh, khi có một trong các dấu hiệu như rối loạn thói quen đi cầu, đi cầu táo bón xen kẽ tiêu chảy, đi phân nát kéo dài nhiều tháng, nhiều năm; hoặc khi người bệnh cảm thấy bụng đau lâm râm quanh rốn, đau mơ hồ âm ỉ ở thượng vị… thì nên đến ngay các cơ sở y tế để điều trị giun sán trước khi có ý định mang thai. Cũng có khi, người bệnh bị sụt cân dù ăn uống đều đặn, ăn nhiều.
Ngoài ra, nếu người bệnh xanh xao, thiếu máu kéo dài mà không tìm được nguyên nhân, có khối sưng bất thường trên cơ thể mà uống thuốc kháng sinh, kháng viêm vẫn không hết cũng có thể nghi nhiễm giun sán. Khi chẩn đoán đúng bệnh do giun sán gây ra, tùy vào từng loại ký sinh trùng mà bác sĩ sử dụng những thuốc đặc trị khác nhau.