Một số phụ nữ không đi khám thai sớm khi đã phát hiện mình có bầu vì nghĩ thai còn nhỏ, chưa quan sát được gì. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên sản phụ khoa, việc bạn không đi khám thai sớm có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc như sẩy thai sớm, thai lưu do bất thường ở tử cung hay do gien.
Để tránh tình trạng trên, bạn nên đi khám thai sớm để biết thai kì phát triển khỏe mạnh hay không để can thiệp kịp thời.
Khám thai lần đầu khi nào?
Bác sĩ Hồ Thị Ngọc, chuyên khoa sản, Bệnh viện FV, tư vấn: “Ngay khi nghi ngờ mình có thai với các dấu hiệu như trễ kinh và dùng que thử thai thấy có hai vạch hồng, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt. Điều này giúp chẩn đoán thai bình thường hay có vấn đề như nằm ngoài tử cung, không có tim thai… để có biện pháp xử lý. Lần khám này nên thực hiện trước khi thai kỳ được tám tuần.”
Lần khám thai đầu tiên rất quan trọng vì bác sĩ sẽ dự đoán tuổi thai, xác định ngày dự sinh. Việc khám thai trong ba tháng đầu thai kỳ giúp chẩn đoán được ngày dự sinh chính xác hơn những tháng giữa và cuối thai kỳ.
Những vấn đề mà bạn cần quan tâm
Bên cạnh việc cung cấp các thông tin về sức khỏe bản thân cho bác sĩ biết, bạn còn được chỉ định thực hiện một số thăm khám và xét nghiệm quan trọng gồm:
– Khám tổng quát về sức khỏe như cân nặng, đo huyết áp, khám phụ khoa. Nếu gần đây bạn chưa làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap smear), có thể bác sĩ sẽ cho bạn làm xét nghiệm này để kiểm tra phát hiện tế bào bất thường. Xét nghiệm huyết trắng để kiểm tra xem bạn có mắc các bệnh lây qua đường tình dục như Chlamydia và bệnh lậu để điều trị kịp thời.
– Thử nước tiểu để kiểm tra bạn có bị nhiễm trùng đường tiểu và một số bệnh khác.
Xét nghiệm máu để biết nhóm máu và xem bạn có thể bị thiếu máu hay không. Xét nghiệm này còn giúp tầm soát các bệnh viêm gan B hay HIV. Nếu phát hiện có vi-rút, bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp, chữa trị trong lúc bạn mang thai để giảm thiểu khả năng lây bệnh cho con.
Bạn có thể hỏi bác sĩ một số vấn đề như:
– Tôi nên ăn loại thực phẩm và cần tránh loại nào? Tôi có thể đi du lịch vào lúc này không? Tùy tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi, bác sĩ sẽ tư vấn những điều nên làm.
– Quan hệ vợ chồng trong lúc mang thai cần sự nhẹ nhàng và đúng tư thế. Nếu cảm thấy lo lắng, bạn đừng ngại hỏi bác sĩ để được tư vấn cách quan hệ đảm bảo an toàn cho bạn và thai nhi.
Chuẩn bị trả lời câu hỏi của bác sĩ
Trong lần khám đầu tiên, bạn cần chuẩn bị thông tin để trả lời một số câu hỏi của bác sĩ như:
– Bạn có triệu chứng hay vấn đề gì bất thường kể từ kỳ kinh nguyệt cuối hay từng có vấn đề gì về sản phụ khoa không?
– Đây là lần mang thai thứ mấy? Nếu là lần thứ hai, bác sĩ sẽ hỏi bạn lần mang thai trước có gặp vấn đề như bỏ thai, sẩy thai không? Lần trước sinh thường hay mổ?
– Bạn có bệnh mãn tính nào không? Bạn dùng thuốc gì để chữa bệnh?
– Bạn có uống thuốc, thực phẩm chức năng nào trước khi mang thai?
– Gia đình bạn có người nào bị bệnh hiểm nghèo có khả năng lây hoặc di truyền không?
Mách bạn
Nếu bạn đang sống và làm việc trong môi trường có nhiều rủi ro như hóa chất, bụi, bạn nên hỏi bác sĩ về mức độ nguy hại cho thai nhi và cách phòng tránh. Bạn đi khám thai ở khoa sản tại bệnh viện tuyến quận, huyện hoặc bệnh viện chuyên sản phụ khoa.
Thái Xuân đã bình luận
Em chào bác sỹ!
Ngày kinh chu kỳ cuối của em là 21/7, ngày 11/8 rụng trứng và thụ thai. Bác cho em hỏi là em nên đi khám thai lần đầu vào ngày nào ạ?
Bác ơi hôm 20/8 em có gửi câu hỏi ở mục "Sự phát triển của thai nhi tháng thứ nhất" và MYC đã xác nhận địa chỉ mail mà em đợi hoài không thấy bác trả lời. Bác đừng quên em nữa nhé. Cảm ơn bác. Chúc bác sức khỏe.
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Xin lỗi bạn vì nhiều câu hỏi quá, không kịp trả lời.
Vũ Thị Hồng đã bình luận
Kinh nguyệt của tôi trước đây rất đều, thường là 30 ngày. Tôi đã có một bé trai 4 tuổi, vợ chồng tôi có kế hoạch sinh thêm em bé, tháng trước tôi có quan hệ vào thời kỳ rụng trứng, khoảng ngày thứ 14 – 16 của chu kỳ. Tháng này tôi đã bị trễ kinh 5 ngày, tôi nghi ngờ mình có thai nên đã dùng que thử, nhưng cho kết quả âm tính. Vậy trường hợp của tôi có sao không, tôi có nên đi khám bác sỹ không?
BS. Thanh Hương Meyeucon.org đã bình luận
Bạn đã thử lại lần nữa chưa ? Có thể XN máu định lượng nội tiết. Chúc bạn hạnh phúc.